BỘ THUỶ SẢN
Số: 28/2004/QĐ-BTS |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy chế đào tạo nghiệp vụ đi biển cho thuyền viên tầu cá
BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ – CP ngày 2 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Quyết định số 08/2003/QĐ – BTS ngày 5 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các Vụ ,Thanh tra, Văn phòng và Quyết định số 09/2003/QĐ – BTS ngày 5 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản;
Căn cứ Thông tư số 01/2004/TT-BTS ngày 15 tháng 1 năm 2004 của Bộ Thuỷ sản V/v hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 1 Nghị định số 80/2002/NĐ – CP ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi , bổ sung một số điều của Nghị định số 72/1998/NĐ – CP ngày 15 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá khi hoạt động trên biển;
Căn cứ khoản 4 Điều 31 Luật số 23/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Quốc hội về giao thông đường thuỷ nội địa;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế đào tạo nghiệp vụ đi biển cho thuyền viên tầu cá” .
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 245/QĐ-ĐK ngày 12 tháng 11 năm 1996 của Cục trưởng Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ban hành quy định tạm thời V/v mở lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển làm nghề cá và cấp sổ thuyền viên tàu cá .
Điều 3 . Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh thanh tra Bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Hiệu trưởng trường Đại học thuỷ sản, giám đốc các Sở Thuỷ sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý Thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
THỨ TRƯỞNG
Lương Lê Phương
QUY CHẾ
Đào tạo nghiệp vụ đi biển cho thuyền viên tầu cá
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BTS
ngày 17 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản)
Điều 1. Những quy định chung
1. Quy chế đào tạo nghiệp vụ đi biển cho thuyền viên tàu cá được áp dụng để mở các lớp học cho những thuyền viên ( người được biên chế làm việc trên tàu cá với các chức danh quy định ) nhưng chưa được đào tạo về nghiệp vụ đi biển .
2. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản giao nhiệm vụ đào tạo và cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp nghiệp vụ đi biển cho 4 cơ sở đào tạo sau:
a – Trường Đại học Thuỷ sản – Nha trang Khánh Hoà
b – Trường Trung học Kỹ thuật Thuỷ sản I – Hải Phòng
c – Trường Trung học Kỹ thuật & Nghiệp vụ Thuỷ sản II – Thành phố Hồ Chí Minh
d – Trung tâm dịch vụ Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
3. Giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển cho thuyền viên tàu cá là chứng chỉ xác nhận người lao động có đủ điều kiện về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ thuyền viên để làm việc trên tàu cá Việt nam và là một trong những điều kiện để người lao động hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp “ Sổ thuyền viên tàu cá “ .
Điều 2 . Đối tượng, tiêu chuẩn và thủ tục hồ sơ của học viên
1. Đối tượng và tiêu chuẩn :
a. Là công dân Việt Nam không trong thời gian bị thi hành án, đang làm việc trên tàu cá hoặc có nhu cầu làm việc trên tàu cá nhưng chưa được đào tạo hệ chính quy về Khai thác thuỷ sản, Cơ khí máy tàu thuỷ sản , chưa được đào tao, bồi dưỡng và cấp bằng Thuyền trưởng, Máy trưởng tàu cá các Hạng tại các Trường Đại học Thuỷ sản , Trung học Thuỷ sản, Công nhân kỹ thuật Thuỷ sản .
b. Tuổi đời : đủ 18 tuổi trở lên
c. đủ sức khoẻ và biết bơi
d. Có trình độ học vấn ( văn hoá ) từ lớp 5/12 trở lên
2. Hồ sơ của học viên gồm :
a. 1 Đơn xin học của cá nhân có ý kiến đề nghị của chủ phương tiện và được chính quyền địa phương ( xã, phường ) hoặc cơ quan đơn vị xác nhận .
b. Bản sao giấy khai sinh có công chứng, Giấy chứng nhận sức khoẻ được cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên xác nhận
c. Giấy chứng nhận trình độ học vấn ( văn hoá ) do phòng giáo dục quận, huyện xác nhận ( nếu chưa có bằng tốt nghiệp ) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp có công chứng
d. 2 ảnh mầu 3 x4 kiểu chứng minh thư
Điều 3. Khung chương trình đào tạo
Tổ chức thi và hình thức thi.
1. Hội đồng thi
a. Hội đồng thi do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định thành lập
b. Hội đồng thi có từ 5 đến 7 thành viên gồm :
– Cấp trưởng hoặc cấp phó cơ sở đào tạo : Chủ tịch Hội đồng
– Giám đốc hoặc phó Giám đốc sở Thuỷ sản hoặc sở NN&PTNT có quản lý thuỷ sản hay đại diện lãnh đạo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản được uỷ quyền : Phó chủ tịch Hội đồng
– Trưởng phòng hoặc phó phòng đào tạo của cơ sở đào tạo : uỷ viên thư ký
– Trưởng bộ môn hoặc khoa Khai thác thuỷ sản : uỷ viên
– Trưởng bộ môn hoặc khoa Cơ khí máy tàu : uỷ viên
– Giáo viên Khai thác thuỷ sản, cơ khí máy tàu : uỷ viên
c. Nhiệm vụ của Hội đồng :
– Tổ chức chỉ đạo kỳ thi theo Quy chế thi , kiểm tra hiện hành
– Xét duỵêt danh sách dự thi , duyệt đề thi và đáp án. Đề thi do giáo viên biên soạn. Đề thi và đáp án được thực hiện theo chế độ bảo mật .
– Tổ chức chấm thi
– Xử lý các trư ;ờng hợp vi phạm nội quy thi
– Xét kết quả thi , lập danh sách học viên đủ điều kiện tốt nghiệp trình thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định công nhận tốt nghiệp .
2. Hình thức thi : được sử dụng hình thức thi viết hoặc vấn đáp .
a – Thi viết : nội dung thi gồm kiến thức tổng hợp trong chương trình đào tạo , thời gian làm bài từ 90 phút đến 120 phút
b – Thi vấn đáp : số lượng đề thi phải nhiều hơn số lượng học viên dự thi , nội dung thi trong chương trình đào tạo , thời gian thi cho một học viên : chuẩn bị 15 phút , thời gian trả lời không quá 30 phút .
Điều 4. Xét tốt nghiệp và cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận)
1. Học viên được cấp Giấy chứng nhận khi có đủ các điều kiện sau:
a. Tham gia học tập đầy đủ các nội dung trong chương trình đào tạo quy định ;
b. Không vi phạm nội quy học tập, nội quy thi ;
c. Đạt điểm thi tốt nghiệp từ điểm 5 trở lên ( thang điểm 10 ) ;
d. Đóng học phí đầy đủ theo quy định trong thông báo tuyển sinh .
2. Thẩm quyền ký Giấy chứng nhận và thời hạn cấp Giấy chứng nhận :
a. Thủ trưởng cơ sở đào tạo ký Quyết định công nhận tốt nghiệp theo đề nghị của Hội đồng thi
b. Thủ trưởng cơ sở đào tạo được ký Giấy chứng nhận .
c. Cơ sở đào tạo tổ chức cấp Giấy chứng nhận cho từng học viên trong thời gian 1 tháng kể từ ngày công bố kết quả xét tốt nghiệp khoá đào tạo .
Điều 5. Quy định mẫu Giấy chứng nhận, phát hành phôi Giấy chứng nhận, hiệu lực cấp Giấy chứng nhận
1. Mẫu giấy chứng nhận được căn cứ theo quyết định số 1012/1998/QĐ – BLĐTBXH ngày 9 tháng 10 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội V/v ban hành Bằng nghề và Chứng chỉ nghề .
Để phù hợp với đặc thù chuyên ngành Thuỷ sản , mẫu Giấy chứng nhận tốt nghiệp nghiệp vụ đi biển cho thuyền viên tàu cá có những đặc điểm sau đây :
a. Giấy chứng nhận có kích thước 10 cm x 14 cm , gồm 4 trang . Trang 1 là trang bìa trước , trang 2 và 3 là trang ruột , trang 4 là trang bìa sau ;
b. Bìa Giấy chứng nhận được phủ nhựa có màu xanh đậm , dòng chữ “ Bộ Thuỷ sản “ ở phía trên và dòng chữ “ Giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển” ở giữa được in bằng màu vàng;
c. Trang ruột Giấy chứng nhận có hoa văn hình sóng biển màu xanh nhạt ; Trang 2 : toàn bộ chữ có màu đen ; Trang 3 : dòng chữ
“ Giấy chứng nhận tốt nghiệp” có màu đỏ tươi , toàn bộ các chữ còn lại là màu đen, giữa trang 3 có hình vô lăng lái tàu in chìm (Mẫu Giấy chứng nhận như Phụ lục kèm theo Quy chế này)
2. Vụ Tổ chức cán bộ giúp Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thống nhất quản lý , phát hành phôi Giấy chứng nhận. Phôi Giấy chứng nhận được đóng dấu nổi của Bộ thuỷ sản trước khi phát hành .
3. Các cơ sở đào tạo nhận phôi Giấy chứng nhận tại Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Thuỷ sản và hàng năm báo cáo kết quả sử dụng phôi Giấy chứng nhận , lập kế hoạch nhận phôi Giấy chứng nhận của năm sau .
4. Công tác quản lý và cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định về quản lý , cấp phát , sử dụng văn bằng chứng chỉ của Nhà nước hiện hành .
5. “ Giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển” đã cấp cho thuyền viên trước thời điểm Quy chế này có hiệu lực vẫn còn giá trị lưu hành .
Điều 6. Nguồn kinh phí mở lớp
1. Học viên đi học hoặc đơn vị cử người đi học đóng góp kinh phí đào tạo (gọi là học phí)
Căn cứ khung thu học phí đào tạo theo phương thức không chính quy được hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 46/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 20 tháng 6 năm 2001 của Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn quản lý thu, chi học phí đối với hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các Trường và cơ sở đào tạo công lập, thủ trưởng các cơ sở đào tạo quy định mức thu cụ thể phù hợp với nội dung , chương trình và thời gian đào tạo để đảm bảo duy trì, phát triển hoạt động đào tạo , lấy thu bù chi hợp lý, không mang tính chất kinh doanh.
2. Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, dự án, các doanh nghiệp…
Điều 7. Căn cứ nhiệm vụ được giao, thủ trưởng cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch mở lớp hàng năm trình Bộ Thuỷ sản duyệt vào tháng 11 năm trước và tổ chức ký kết Hợp đồng đào tạo với các Sở Thuỷ sản , Sở Nông nghiệp và PTNT, các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản địa phương được cấp Sở uỷ quyền mở lớp đào tạo theo các Quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Bộ. Các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản địa phương phải tổ chức điều tra nhu cầu đào tạo để phối hợp với các cơ sở đào tạo mở lớp phù hợp về thời điểm và điều kiện sản xuất của Ngư dân.
Điều 8. Trong quá trình thực hiện có phát sinh những vấn đề chưa phù hợp, các cơ sở đào tạo và các địa phương đề xuất để Bộ xem xét, điều chỉnh sửa đổi bổ sung kịp thời./.
Reviews
There are no reviews yet.