QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 05/2006/QĐ-BYT NGÀY 17 THÁNG 01 NĂM 2006 VỀ VIỆC
BAN HÀNH “QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
CỦA TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày 12/4/2005 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về y tế ở địa phương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương“.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 2468/1999/QĐ-BYT ngày 17/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành bản “Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”.
Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
BỘ TRƯỞNG
Trần Thị Trung Chiến
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
CỦA TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05/2006/QĐ-BYT
ngày 17 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, chịu sự quản lý toàn diện của Giám đốc Sở Y tế, sự chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.
Điều 2. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có tư cách pháp nhân, có trụ sở, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng trên cơ sở định hướng chiến lược của Bộ Y tế và tình hình thực tế của tỉnh trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt.
2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động sau:
a) Triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về: Phòng chống dịch bệnh, dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch y tế, sức khoẻ môi trường, sức khoẻ trường học, sức khoẻ nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, các cơ sở y tế và các trạm y tế trên địa bàn;
c) Phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khoẻ về lĩnh vực y tế dự phòng;
d) Tham gia đào tạo và đào tạo lại chuyên môn, kỹ thuật về lĩnh vực y tế dự phòng theo kế hoạch của tỉnh và Trung ương cho cán bộ chuyên khoa và các cán bộ khác;
đ) Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực y tế dự phòng;
e) Quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia và các dự án khác được Giám đốc Sở Y tế phân công;
g) Triển khai tổ chức thực hiện các dịch vụ về y tế dự phòng theo sự phân công, uỷ quyền của Giám đốc Sở Y tế và theo quy định của pháp luật;
h) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách;
i) Thực hiện quản lý cán bộ, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật;
k) Thực hiện các chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật;
l) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế giao.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 5.Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có Giám đốc và các Phó Giám đốc.
2. Các phòng chức năng gồm:
a) Phòng Kế hoạch tài chính;
b) Phòng Tổ chức hành chính.
3. Các khoa chuyên môn gồm:
a) Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm;
b) Khoa Sức khoẻ cộng đồng;
c) Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm và Dinh dưỡng;
d) Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp (ở những tỉnh, thành phố không có Trung tâm Sức khoẻ lao động và Môi trường);
đ) Khoa Sốt rét-Nội tiết (ở những tỉnh, thành phố không có Trung tâm Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng và Trung tâm Nội tiết);
e) Khoa Kiểm dịch y tế (đối với các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch mà không có Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế);
g) Khoa Xét nghiệm.
Điều 6. Biên chế và định mức lao động
Biên chế, định mức lao động của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Kinh phí hoạt động
1. Ngân sách sự nghiệp y tế;
2. Ngân sách chương trình mục tiêu y tế quốc gia;
3. Thu phí theo quy định của pháp luật;
4. Viện trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 8. Nhiệm vụ của các Khoa, Phòng
1. Phòng Kế hoạch tài chính:
a) Xây dựng kế hoạch tháng, quý, năm của Trung tâm; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch;
b) Tổng hợp, dự trù thuốc, vật tư, hoá chất và các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho hoạt động của Trung tâm;
c) Quản lý và cấp phát kinh phí, vật tư theo kế hoạch đã được phê duyệt, chịu trách nhiệm thanh, quyết toán theo quy định của pháp luật;
d) Phối hợp với các khoa, phòng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của Trung tâm và cho tuyến dưới;
đ) Tổng hợp các hoạt động của Trung tâm, thu thập thông tin và phân tích số liệu do các đơn vị báo cáo; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;
e) Làm đầu mối tổng hợp các dự án trong và ngoài nước của Trung tâm.
2. Phòng Tổ chức hành chính:
a) Quản lý công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hành chính, quản trị phục vụ cho hoạt động của Trung tâm;
c) Làm đầu mối tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn, các hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục sức khoẻ về y tế dự phòng;
d) Quản lý tài sản của Trung tâm.
3. Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm;
b) Quản lý tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại địa phương; thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện và chủ động phòng, chống dịch; thu thập thông tin, số liệu, lập bản đồ, biểu đồ dịch tễ theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh;
c) Xác định kịp thời các tác nhân gây dịch để có kế hoạch chủ động phòng, chống hiệu quả; phối hợp với các cơ sở y tế và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch;
d) Tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn;
đ) Triển khai công tác giám sát thường xuyên các véc tơ truyền bệnh để dự báo nguy cơ dịch và có kế hoạch dự phòng; phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp sát khuẩn, tẩy uế, diệt động vật và véc tơ truyền bệnh;
e) Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch;
g) Triển khai các hoạt động về vắc xin và sinh phẩm trong công tác phòng chống dịch bệnh.
4. Khoa Sức khoẻ cộng đồng:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động về sức khoẻcộng đồng;
b) Giám sát chất lượng vệ sinh và hướng dẫn sử dụng, bảo quản các công trình vệ sinh; thực hiện kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp bảo vệ và xử lý các nguồn nước ăn uống và sinh hoạt;
c) Hướng dẫn, kiểm tra công tác y tế học đường; triển khai thực hiện hoạt động phòng chống các bệnh, tật học đường, các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ đối với học sinh, sinh viên;
d) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định hiện hành về y tế đối với môi trường, chất thải, nước tại các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;
đ) Làm đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động xây dựng phong trào làng văn hoá sức khoẻ;
e) Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình dự án liên quan đến sức khoẻ môi trường và sức khoẻ trường học.
5. Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm và Dinh dưỡng:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cộng đồng;
b) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do tỉnh quản lý; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên khoa vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến dưới và cán bộ liên ngành; chịu trách nhiệm hướng dẫn tuyến dưới triển khai thực hiện các hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Tham gia phối hợp các hoạt động liên ngành, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức giám sát và đánh giá nguy cơ suy dinh dưỡng; thực hiện điều tra, thống kê, báo cáo và phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn;
d) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm và đăng ký quảng cáo thực phẩm để trình cấp có thẩm quyền xác nhận theo phân cấp hoặc xác nhận giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, quảng cáo thực phẩm nếu được uỷ quyền. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao theo phân cấp khi được Giám đốc Sở Y tế uỷ quyền;
đ) Chủ trì tổ chức khám sức khoẻ cho người trực tiếp sản xuất, chế biến, phục vụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý;
e) Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình điểm liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cộng đồng; hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GMP, GHP và HACCP.
6. Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động về y tế lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; phòng, chống tai nạn thương tích của ngành y tế và xây dựng cộng đồng an toàn;
b) Kiểm tra, giám sát môi trường lao động, điều kiện lao động có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động; đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện, môi trường lao động;
c) Tổ chức phòng khám bệnh nghề nghiệp và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh nghề nghiệp; theo dõi, giám sát, hướng dẫn khám sức khoẻ định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và tham gia khám giám định bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
d) Triển khai thực hiện và giám sát các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích của ngành y tế và xây dựng cộng đồng an toàn tại địa phương;
đ) Phối hợp trong việc thẩm định các hoá chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động theo danh mục quy định và hướng dẫn xử lý ban đầu khi bị nhiễm độc;
e) Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến sức khoẻ bệnh nghề nghiệp và phòng, chống tai nạn thương tích.
7. Khoa Sốt rét-Nội tiết:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng, bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá;
b) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo công tác giám sát véc tơ liên quan đến bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng;
c) Giám sát và hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá;
d) Triển khai thực hiện các chương trình, dịch vụ, dự án phòng, chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá.
8. Khoa Kiểm dịch y tế:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch y tế, công tác giám sát và xử lý y tế đối với các đối tượng qua các cửa khẩu và ở khu vực cửa khẩu;
b) Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động kiểm dịch y tế đối với các đối tượng kiểm dịch theo quy định;
c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đối với các cơ sở chế biến và cung ứng thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt; an toàn vệ sinh thực phẩm sử dụng tại các cửa khẩu và sử dụng trên các phương tiện vận tải; vệ sinh môi trường, bến bãi trong khu vực cửa khẩu;
d) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống véc tơ truyền bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện vận chuyển, bến bãi trong khu vực cửa khẩu theo quy định;
đ) Triển khai, thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kiểm dịch y tế;
e) Thực hiện thu phí kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật.
9. Khoa Xét nghiệm:
a) Thực hiện các xét nghiệm phục vụ yêu cầu các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng;
b) Sản xuất, pha chế môi trường nuôi cấy và hoá chất phục vụ công tác xét nghiệm;
c) Thống nhất áp dụng thường quy kỹ thuật xét nghiệm theo quy định, phổ biến kỹ thuật và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện đối với tuyến huyện và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh;
d) Triển khai thực hiện các dịch vụ xét nghiệm trong lĩnh vực y tế dự phòng theo quy định của pháp luật./.
Reviews
There are no reviews yet.