BỘ Y TẾ Số: 03/CT-BYT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2021 |
CHỈ THỊ
Về việc triển khai công tác phòng, chống thiên taivà tìm kiếm, cứu nạn trong Ngành y tế năm 2021
_______
Thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 – 2020, trong những năm qua, Ngành y tế đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để ứng phó có hiệu quả trong các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời cứu chữa những nạn nhân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế; không để dịch bệnh lớn xảy ra sau thiên tai, duy trì được các chỉ tiêu về y tế được Chính phủ giao hàng năm.
Năm 2020, Đại dịch Covid-19 lan rộng trong phạm vi toàn Thế giới, đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến phát triển kinh tế, tình hình chính trị, an ninh thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, thời tiết khắc nghiệt, nắng, nóng kéo dài, rét đậm, rét hại xảy ra ở nhiều địa phương; tình hình mưa bão, lũ lụt, lũ quét, xảy ra và ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng tài sản, đời sống sinh hoạt của nhân dân và của ngành y tế; đặc biệt là lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ở khu vực miền Trung trong tháng 10, 11/2020 đã gây thiệt hại rất lớn về người, đời sống sinh hoạt của nhân dân gây khó khăn cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh; Ngành y tế phải cùng lúc vừa bảo đảm phòng chống thiên tai, bão lũ, vừa phải bảo đảm phòng chống dịch bệnh nhất là dịch Covid-19 trong điều kiện hết sức khó khăn.
Năm 2021, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, trước diễn biến bất thường, khó lường của thiên tai, thời tiết và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát tại Việt Nam là rất lớn. Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai (nếu có) và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau thiên tai, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Tổng cục thuộc cơ quan Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh); Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương thực hiện tốt những nội dung cụ thể như sau:
1. Tiếp tục quán triệt Luật Phòng, chống thiên tai, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan cho các cấp ủy Đảng trực thuộc, công chức, viên chức, người lao động Ngành y tế; trên quan điểm chủ động dự phòng, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ của tuyến trên; chống tư tưởng “trông chờ”, “ỷ lại”, chủ quan, duy ý chí.
2. Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ huy và lực lượng thường trực tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị; bổ sung lượng dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế) đủ cho các vùng trọng điểm thiên tai; tu sửa kho tàng bảo đảm an toàn trong thiên tai; nghiên cứu thành lập thí điểm đội hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) tại một số tỉnh, xây dựng tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và trang bị cho đội EMT.
3. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu ngoại viện, trực hậu cần và báo cáo thường xuyên, đột xuất theo qui định; duy trì nhiều hình thức thông tin liên lạc để không để xảy ra mất liên lạc trong thiên tai; tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy, phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn trong đơn vị.
4. Tăng cường kết hợp quân dân y trong ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ cụ thể trước, trong và sau thiên tai; tổ chức tập huấn, huấn luyện trong chỉ huy điều hành, phối hợp lực lượng trong các tình huống thiên tai; bổ sung nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào chức năng, nhiêm vụ của các Vụ, Cục, cơ quan Bộ Y tế; huấn luyện cho người dân biết tự chăm sóc và chăm sóc sức khỏe lẫn nhau trong thiên tai và tổ chức các chiến dịch truyền thông để người dân không chủ quan với thiên tai, thảm họa.
5. Xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật. Đặc biệt phải bảo đảm tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
6. Thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” đó là: Chỉ huy tại chỗ: lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, cơ sở y tế từ cấp xã, phường, quận huyện và cấp tỉnh trực tiếp chỉ huy điều phối các lực lượng tìm kiếm, cấp cứu và vận chuyển nạn nhân ngay tại nơi xảy ra thiên tai, thảm họa; Lực lượng tại chỗ: cán bộ y tế luôn sẵn sàng để sơ cứu, cấp cứu nạn nhân và hướng dẫn, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; Phương tiện tại chỗ: có đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện và vật tư y tế phục vụ yêu cầu chuyên môn sơ cứu, cấp cứu và chuyển tuyến; Hậu cần tại chỗ: dự trữ đủ xăng dầu cho xe cấp cứu, xuồng máy, máy phát điện hoạt động khi không có điện; dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp các địa phương vượt khả năng, cần có sự hỗ trợ, cần báo cáo đề xuất lên cấp trên trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời.
7. Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ có thai, quản lý các bệnhnhân mắc bệnh mạn tính; các cơ sở y tế cần sớm đưa vào hoạt động để chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng thiên tai.
8. Vụ Kế hoạch – Tài chính (Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế) xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức đoàn kiểm tra độc lập, giám sát việc thực hiện công tác bảo đảm y tế trong phòng, chống thiên tai, thảm họa tại các đơn vị, địa phương. Chú trọng các khu vực trọng điểm thường xảy ra thiên tai, bão lũ…
– Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục chức năng, cơ quan Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đến công tác bảo đảm y tế phòng, chống thiên tai theo chức năng nhiệm vụ được giao.
– Giám đốc Sở Y tế: kiểm tra toàn diện việc bảo đảm y tế phòng chống thiên tai của các cơ sở y tế trực thuộc.
9. Tổ chức tổng kết, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm hằng năm, hoặc đột xuất sau các đợt lũ, lụt, thiên tai, thảm họa và báo cáo về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch – Tài chính/Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Nhận được Chỉ thị này, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Tổng cục thuộc cơ quan Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; các tập thể, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc xin liên hệ với Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế: địa chỉ số 138A Giảng Võ – Ba Đình – Hà Nội. Điện thoại 024. 62732027./.
Nơi nhận: – Đồng chí Bộ trưởng (để b/cáo); – Các đồng chí Thứ trưởng; – PTTg Trịnh Đình Dũng (để b/cáo); – Văn phòng Chính phủ (để b/cáo); – Bộ Quốc phòng (để phối hợp chỉ đạo); – Bộ NN&PTNT (để phối hợp chỉ đạo); – Văn phòng Ban chỉ đạo TW về PCTT; – Văn phòng UBQGƯPSCTT & TKCN; – BCH PCTT&TKCN các tỉnh/TP trực thuộc TW; – Sở Y tế các tỉnh/TP trực thuộc TW; – Các đơn vị trực thuộc Bộ; – Cục Quân y/TCHC/BQP; – Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế; Báo SK & ĐS; – TT. Truyền thông & GDSK TW; – Lưu: VT, KHTC |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn |
Reviews
There are no reviews yet.