BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Số: 1095/QĐ-BNN-TCTS |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021-2025
________________
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 4413/QĐ-BNN-TCTS ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021-2025 với các nội dung cơ bản sau đây:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản.
b) Mục tiêu cụ thể:
– Xác định được nhu cầu đổi mới công nghệ và sáng tạo trong sản xuất thủy sản để xây dựng các chương trình khoa học công nghệ phục vụ thực tế sản xuất;
– Hàng năm, công nhận được tối thiểu 04 tiến bộ kỹ thuật; chuyển giao được tối thiểu 04 tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản; tối thiểu 200 cơ sở sản xuất thủy sản được phổ biến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hiệu quả kinh tế tăng >25% so với mô hình sản xuất truyền thống;
– Hàng năm, tổ chức từ 3 – 4 diễn đàn để phổ biến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản, nuôi trồng thủy sản cho ít nhất 400 cơ sở ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ;
– Tổ chức được ít nhất 02 Hội chợ thiết bị và công nghệ thủy sản (02 năm/lần) để giới thiệu, trưng bày, triển lãm các thiết bị, công nghệ, sản phẩm tiên tiến có thể thương mại hóa và ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất thủy sản ở Việt Nam;
– Xây dựng được hệ thống thông tin khoa học công nghệ thủy sản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu quản lý, cập nhật, trao đổi thông tin trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thủy sản; phát triển thị trường khoa học công nghệ thủy sản trực tuyến.
2. Nội dung
a) Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tế sản xuất:
– Tổng hợp và đánh giá nhu cầu đổi mới, chuyển giao khoa học công nghệ và các khó khăn, vướng mắc trong thực tế sản xuất của ngành thủy sản;
– Đề xuất các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ dự án khuyến nông phù hợp và giải quyết các vấn đề khó khăn cụ thể của thực tế sản xuất;
– Rà soát và đề xuất một số cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất thủy sản.
b) Đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản:
– Rà soát, đánh giá việc ứng dụng, triển khai các tiến bộ kỹ thuật thủy sản đã được công nhận để loại bỏ, gia hạn thời hạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã công nhận;
– Đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật mới để phổ biến, giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất.
c) Xây dựng hệ thống thông tin, phát triển thị trường khoa học công nghệ:
– Xây dựng phần mềm tích hợp quản lý và giao dịch điện tử các kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản; phổ biến hồ sơ, thủ tục công nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật;
– Cập nhật thông tin khoa học công nghệ: kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, danh mục tiến bộ kỹ thuật, thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản trong nước và quốc tế;
– Định kỳ tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm để các bên liên quan trao đổi, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, sản phẩm mới trong sản xuất thủy sản;
– Xuất bản một số ấn phẩm khoa học công nghệ để phổ biến các kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới và các tiến bộ kỹ thuật được công nhận để các bên liên quan thực hiện chuyển giao, áp dụng.
3. Nhiệm vụ trọng tâm
Nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 gồm:
– Rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ thủy sản;
– Rà soát, đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật để phổ biến, ứng dụng, chuyển giao vào thực tế sản xuất thủy sản;
– Xây dựng hệ thống thông tin khoa học công nghệ phục vụ gắn kết nghiên cứu và chuyển giao và phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 như Phụ lục kèm theo.
4. Tổ chức thực hiện
a) Tổng cục Thủy sản:
– Thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối thực hiện Kế hoạch này;
– Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt tại Kế hoạch này;
– Chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ được phân công theo chức năng nhiệm vụ;
– Tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch này và báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng.
b) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường:
– Rà soát, đề xuất các chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư, xã hội hóa hoạt động chuyển giao công nghệ vào sản xuất;
– Bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo hướng tạo ra các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới phục vụ sản xuất;
– Bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông lĩnh vực thủy sản trên cơ sở các tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận.
c) Trung tâm Khuyến nông quốc gia:
– Đề xuất kế hoạch đào tạo, tập huấn và tổ chức thông tin tuyên truyền để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận;
– Tổ chức thực hiện các dự án khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận để nhân rộng trong thực tiễn sản xuất.
d) Vụ Tài chính: Sắp xếp và bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt trong Kế hoạch này.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố:
– Căn cứ và Kế hoạch này xây dựng và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt Kế hoạch ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ thủy sản phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương;
– Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch sau khi được phê duyệt;
– Định kỳ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) kết quả thực hiện Kế hoạch ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ thủy sản tại địa phương.
e) Các hội, hiệp hội:
– Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của nhà nước và các tiến bộ kỹ thuật đến các hội viên để chủ động thực hiện;
– Phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hội viên theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Phùng Đức Tiến |
PHỤ LỤC
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 1095/QĐ-BNN-TCTS ngày 15 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TT |
Nội dung |
Sản phẩm |
Đơn vị chủ trì |
Đơn vị phối hợp |
I |
Rà soát, đề xuất chính sách |
|||
1 |
Hội thảo rà soát và đề xuất chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ trong sản xuất thủy sản |
Báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ và ứng dụng TBKT trong sản xuất thủy sản |
Tổng cục Thủy sản |
Vụ KHCN&MT, GIZ, IDH |
2 |
Hội thảo xác định nhu cầu đổi mới, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ ngành thủy sản |
Danh mục các nhiệm vụ và dự án chuyển giao khoa học công nghệ cần thực hiện |
Tổng cục Thủy sản |
Vụ KHCN&MT, GIZ, IDH |
II |
Rà soát, đánh giá, công nhận TBKT |
|||
3 |
Khảo sát, đánh giá việc ứng dụng các TBKT được công nhận |
Báo cáo đánh giá hiệu quả chuyển giao các TBKT |
Tổng cục Thủy sản |
GIZ, IDH |
4 |
Họp Hội đồng rà soát danh mục TBKT |
Quyết định hủy bỏ các TBKT không còn phù hợp |
Tổng cục Thủy sản |
Vụ KHCN&MT, TTKNQG |
III |
Xây dựng hệ thống thông tin khoa học công nghệ |
|||
5 |
Xây dựng phần mềm quản lý thông tin khoa học công nghệ; sàn giao dịch trực tuyến thiết bị, công nghệ |
Phần mềm trên web-base quản lý thông tin khoa học công nghệ; sàn giao dịch trực tuyến thiết bị, công nghệ |
Tổng cục Thủy sản |
Các Vụ: KHCN&MT, TC |
6 |
Cập nhật thông tin khoa học công nghệ |
Các kết quả nghiên cứu KHCN, TBKT, công nghệ mới, thị trường KHCN được cập nhật trên phần mềm |
Tổng cục Thủy sản |
Các Vụ: KHCN&MT, TC |
7 |
Tổ chức diễn đàn, hội thảo trao đổi, giới thiệu các TBKT và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản |
– Danh mục TBKT và công nghệ có thể áp dụng, chuyển giao; – Báo cáo triển khai áp dụng các TBKT và công nghệ mới |
Tổng cục Thủy sản |
Vụ KHCN&MT, TTKNQG |
8 |
Tổ chức Hội chợ triển lãm thiết bị và công nghệ thủy sản |
– Danh mục TBKT và công nghệ có thể áp dụng, chuyển giao; – Báo cáo triển khai áp dụng các TBKT và công nghệ mới |
Tổng cục Thủy sản |
Vụ KHCN&MT, TTKNQG |
9 |
Xuất bản ấn phẩm giới thiệu TBKT và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản |
Các ấn phẩm KHCN được biên tập và phát hành |
Tổng cục Thủy sản |
Vụ KHCN&MT, TTKNQG |
Ghi chú:
– Vụ KHCN&MT: Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường.
– Vụ TC: Vụ Tài chính.
– TTKNQG: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
– GIZ: Cơ quan phát triển hợp tác quốc tế Đức.
– IDH: Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan.
Reviews
There are no reviews yet.