THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _________ Số: 2178/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc _________________________ HàNội, ngày 21 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương”
_______________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 nám 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường;
Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường là một chỉnh thể thống nhất kết nối liên thông Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường của các bộ, ngành, địa phương, tạo tiền đề chuyển đổi số, đổi mới toàn diện phương thức hoạt động quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công, khai thác sử dụng dữ liệu… của ngành tài nguyên và môi trường; phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
2. Tạo cơ chế minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tạo lập, quản lý, chia sẻ dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường tạo dịch vụ gia tăng góp phần quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
3. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, kế thừa, sử dụng thành quả của các chương trình, dự án, đề án đã và đang thực hiện, bảo đảm không trùng lặp, lãng phí.
4. Huy động, khuyến khích, tạo điều kiện tham gia của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng trong thu nhận, cập nhật, phân tích, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường, phát triển thị trường dịch vụ nội dung số về tài nguyên và môi trường.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Hoàn thiện nền tảng tài nguyên số về tài nguyên và môi trường với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào cơ bản, cần thiết cho Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng về tài nguyên và môi trường; tạo lập được hệ thống dữ liệu mở Chính phủ ngành tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu đến năm 2023
– Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường;
– Cơ bản hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường;
– Triển khai, vận hành, kết nối và chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng, nhu cầu khai thác sử dụng lớn, bao gồm: nền địa lý quốc gia, đất đai quốc gia; quan trắc quốc gia về tài nguyên và môi trường, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan;
– 30% cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thiện; kết nối, chia sẻ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm an ninh – quốc phòng; cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh;
– Tạo lập, vận hành Công dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
b) Mục tiêu đến năm 2025
– Hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường, cung cấp được các sản phẩm tri thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến;
– 100% cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường tạo nền tảng Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thiện, đảm bảo an toàn, an ninh; phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng;
– Tạo lập môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc, thu nhận, triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số… về tài nguyên và môi trường.
III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YỂU CỦA ĐỀ ÁN
1. Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp lý về thu nhận, tạo lập, quản lý thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo hướng kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên và môi trường.
b) Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, liên thông với các hệ thống thông tin liên quan của các bộ, ngành, địa phương; quy chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia.
c) Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển, cung cấp dịch vụ nội dung số về tài nguyên và môi trường.
2. Xây dựng các nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường
a) Quản lý, quản trị cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia và danh mục điện tử dùng chung gồm các nội dung sau:
– Danh mục điện tử dùng chung ngành tài nguyên và môi trường;
– Hệ thống quản trị dữ liệu;
– Hỗ trợ quản lý, tích hợp, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường.
b) Tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường
– Thiết lập nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối dữ liệu tài nguyên và môi trường với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng bộ với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia;
– Xây dựng các dịch vụ kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường với cơ sở dữ liệu các bộ, ngành địa phương và các hệ thống thông tin khác.
c) Các ứng dụng, dịch vụ phục vụ khai phá, phân tích, xử lý, công bố, cung cấp, sử dụng thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường
– Xây dựng, hoàn thiện hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ về tài nguyên và môi trường;
– Tạo lập các dịch vụ khai thác thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
3. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường bảo đảm kết nối, liên thông, cung cấp, chia sẻ dữ liệu
a) Hoàn thành các cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo các đề án đã được phê duyệt; cung cấp các dịch vụ kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương;
b) Tổ chức xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
– Đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành đã và đang được xây dựng: khẩn trương hoàn thiện bảo đảm đúng quy định, bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cung cấp các dịch vụ kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương;
– Đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành còn lại phải tổ chức xây dựng, hoàn thiện bảo đảm tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường và các quy định về kết nối, liên thông dữ liệu.
c) Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia, lĩnh vực chuyên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý;
d) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu liên quan đến tài nguyên và môi trường thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành (có thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường) bảo đảm kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường.
4. Xây dựng cổng dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường
Cổng dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường bao gồm các cấu phần sau:
a) Cung cấp dịch vụ chia sẻ, sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;
b) Công khai dữ liệu tài nguyên và môi trường thuộc danh mục dữ liệu mở phục vụ việc khai thác, tham gia đóng góp của cá nhân, tổ chức tạo lập hệ sinh thái dữ liệu cho các ứng dụng đa nền tảng;
c) Kết nối, liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cổng dữ liệu quốc gia, cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ tri thức Việt số hóa và các hệ thống thông tin quốc gia khác;
d) Cung cấp hạ tầng tri thức, tính toán, phân tích, xử lý dữ liệu tài nguyên và môi trường;
đ) Các chức năng khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
5. Nâng câp, xây dựng nên tảng hạ tầng công nghệ thông tin
Nâng cấp, xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin với các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo quản lý, vận hành, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường theo nguyên tắc hiệu quả, kế thừa, đồng bộ, thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp về công nghệ
a) Ứng dụng các công nghệ: Internet vạn vật (IoT), thị giác máy tính (Computer vision), xử lý ảnh (Image processing)… phục vụ thu nhận, truyền dẫn, xử lý thông minh trong quan trắc, điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
b) ứng dụng các giải pháp công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Bigdata), hồ dữ liệu (Data Lake), kho dữ liệu (Data Warehouse), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo để lưu trữ, khai phá, phân tích dữ liệu; bảo đảm an toàn, an ninh phục vụ yêu cầu quản trị, quản lý, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu và giải quyết các bài toán phức tạp của ngành tài nguyên và môi trường.
c) Triển khai các giải pháp bảo đảm tích hợp, kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn, trên các nền tảng kết nối, liên thông quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành địa phương phù hợp với đặc trưng của từng loại thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
d) Hợp tác quốc tế nhằm đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, mô hình, phương thức hiện đại, tiên tiến, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
2. Giải pháp về an toàn bảo mật thông tin
a) Đảm bảo các quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn trong quá trình triển khai Đề án.
b) Đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu trong quá trình truyền, nhận, tích hợp dữ liệu: triển khai biện pháp kỹ thuật mã hóa đường truyền thông tin dữ liệu đối với các dữ liệu mật, nhạy cảm.
c) Đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh dữ liệu trong quá trình vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường:
– Áp dụng, triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin và an ninh dữ liệu để phòng, chống nguy cơ, khắc phục sự cố trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng cơ sở dữ liệu.
– Đối với Hệ thống được triển khai tại trung tâm dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kế thừa hạ tầng đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh dữ liệu hiện có và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ.
3. Tổ chức bộ máy, nhân sự
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng nguồn nhân lực hiện có để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án.
b) Tăng cường đào tạo, đào tạo lại về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.
4. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
a) Tăng cường phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò và tác dụng của việc kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác.
b) Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân trong việc sử dụng, giám sát thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
c) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho các cán bộ chuyên trách, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và cộng đồng.
V. PHẠM VI, THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước, trong 05 năm từ 2021 đến 2025.
2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách nhà nước và kinh phí hợp pháp khác.
3. Cơ cấu nguồn vốn:
a) Nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương theo chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025;
b) Nguồn vốn sự nghiệp từ trung ương do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì;
c) Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí đối với các dự án, nhiệm vụ do các cơ quan thuộc địa phương chủ trì thực hiện.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai, thực hiện Đề án, là đầu mối tổ chức tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng, hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản làm cơ sở pháp lý phục vụ thu nhận, quản lý, kết nối, liên thông dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường:
– Quy định về thu nhận, tạo lập, quản lý thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo hướng kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên và môi trường.
– Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn về tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường với các hệ thống thông tin các bộ, ngành, địa phương và quy chế kết nối, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống.
c) Xây dựng, quản lý, vận hành nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường.
d) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia, chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
đ) Xây dựng, quản lý vận hành cổng dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường hiệu quả, an toàn, an ninh thông tin.
e) Lập, phê duyệt, tổ chức triển khai các dự án theo các nhiệm vụ được giao chủ trì trong Đề án này theo đúng quy định của pháp luật.
g) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án của các bộ, ngành, các địa phương; đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường thuộc trách nhiệm quản lý; kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Đề án.
b) Huy động nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí được giao hàng năm để thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định của pháp luật.
c) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia, lĩnh vực chuyên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Đề án.
– Đến năm 2023, hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu: đất đai, nền địa lý, quan trắc tài nguyên và môi trường, nguồn thải, bảo vệ môi trường đảm bảo tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu và đồng bộ, thống nhất với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia, lĩnh vực chuyên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.
– Đến năm 2025, xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường khác đảm bảo tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu và đồng bộ, thông nhất với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia, lĩnh vực chuyên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.
b) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho các cán bộ chuyên trách, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và cộng đồng.
c) Tăng cường đào tạo, đào tạo lại về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.
d) Huy động nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí được giao hàng năm để thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định của pháp luật.
đ) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Công an
Bộ Công ạn chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng thẩm định, đánh giá, giám sát an ninh mạng trong quá trình xây dựng, triển khai, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
5. Bộ Quốc phòng
a) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định, đánh giá, giám sát an ninh quốc phòng trong quá trình xây dựng, triển khai, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.
b) Chủ trì xác định các thông tin dữ liệu cần được chia sẻ, cung cấp phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Hướng dẫn việc chia sẻ, xây dựng danh mục dữ liệu mở theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
b) Thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về danh mục dữ liệu tài nguyên và môi trường tích hợp trên Cổng dữ liệu quốc gia.
c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo an toàn thông tin.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
Cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
8. Văn phòng Chính phủ
Thống nhất dữ liệu tích hợp, chia sẻ phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
9. Ban Cơ yếu Chính phủ
Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin và an ninh dữ liệu trong quá trình truyền, nhận thông tin, dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước vào Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia.
Điều 2.Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo; – Lưu: VT, KSTT (2b). |
KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|
Reviews
There are no reviews yet.