LIÊN BỘ SỐ 1-LB/HLV NGÀY 6-1-1987
VỀ VIỆC PHỐI HỢP VÀ HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG
GIỮA CÁC BỘ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, THUỶ SẢN,
GIÁO DỤC VÀ HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM
Hội những người làm vườn Việt Nam là một tổ chức quần chúng có nhiệm vụ vận động Hội viên và những người làm vườn nói chung phát triển nghề vườn và kinh tế vườn (bao gồm cả hệ sinh thái VAC) theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hoạt động của Hội có tác dụng góp phần đắc lực vào việc phát triển các ngành kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp, vào việc giáo dục hướng nghiệp và đào tạo học sinh. Hội được đặt dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ sản và Bộ Giáo dục.
Liên Bộ và Trung ương Hội quy định dưới đây những nguyên tắc chung và những nội dung chính về việc phối hợp và hỗ trợ hoạt động giữa các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Giáo dục và Hội những người làm vườn Việt Nam.
I. VỀ MẶT TỔ CHỨC
HOạt động của Hội có liên quan mật thiết đến hoạt động và sự phát triển của ngành, vì vậy ở Trung ương cũng như địa phương, các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Giáo dục cần cử cán bộ tham gia Ban chấp hành các cấp và các ban chuyên môn (khoa học kỹ thuật, tuyên huấn, chỉ đạo phong trào, v.v…) của Hội, tích cực góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Tuỳ theo yêu cầu hoạt động của Hội và khả năng biên chế, các ngành cử một số cán bộ sang chuyên trách công tác Hội theo chế độ biệt phái. Những cán bộ này do Hội trực tiếp quản lý nhưng hưởng mọi quyền lợi về chế độ lương, phụ cấp, đề bạt, khen thưởng như các cán bộ khác trong ngành; quyết định nâng lương, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật có căn cứ vào nhận xét và đề nghị của Hội.
Để tạo điều kiện ban đầu thuận lợi cho Hội hoạt động, tuỳ theo khả năng các Bộ hỗ trợ cho Hội một số kinh phí và phương tiện làm việc cần thiết (đồ dùng văn phòng, phương tiện đi lại v.v…).
Ở địa phương Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban Nhân dân quận, huyện trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội.
II. VỀ MẶT HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
a) Tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia đình:
Các Bộ phối hợp chặt chẽ với Hội trong việc tuyên truyền giáo dục vận động thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia đình.
Các Bộ thông báo cho Hội biết các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách liên quan đến nghề vườn, đến kinh tế vườn, kinh tế gia đình và mời cán bộ lãnh đạo Hội ở Trung ương và tỉnh, thành phố dự những cuộc họp có liên quan đến những vấn đề này (Hội nghị phổ biến chủ trương, chính sách, hội nghị tổng kết và phổ biến kế hoạch 5 năm và hàng năm các hội nghị chuyên đề liên quan đến nghề vườn, kinh tế vườn).
Hội phản ảnh với các Bộ nguyện vọng của Hội viên và những người làm vườn trong việc phát triển nghề vườn và kinh tế vườn, tham gia ý kiến và có kiến nghị cần thiết và các chủ trương, chính sách đối với nghề vườn và kinh tế vườn.
b) Chỉ đạo phong trào:
Hội phối hợp với các Bộ trong việc phát động và chỉ đạo các phong trào phát triển kinh tế vườn như phong trào xây dựng vườn cây, ao cá Bác Hồ, xây dựng vườn rừng, vườn đồi, trồng cây nhân dân, xây dựng vườn trường, v.v… Các Bộ đề ra mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn, biện pháp. Hội phối hợp với các cơ quan của các Bộ tổ chức vận động quần chúng thực hiện và đề xuất các vấn đề cần giải quyết để đẩy mạnh phong trào. Tuỳ theo yêu cầu chỉ đạo phòng trào, các Bộ có thể giao cho Hội một số kinh phí và vật tư kỹ thuật cần thiết cho việc vận động, đẩy mạnh phong trào.
Hội phối hợp với các Bộ và ngành hữu quan khác để tổ chức các Hội trợ triển lãm giới thiệu thành quả lao động và các kỹ thuật tiến bộ trong nghề vườn, giới thiệu và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của kinh tế vườn.
Các Bộ và Hội phối hợp trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào và khen thưởng thành tích phát triển nghề vườn và kinh tế vườn.
c) Đưa tiến bộ kỹ thuật vào nghề vườn và tổ chức các dịch vụ kỹ thuật:
Hội phổ biến, vận động thực hiện những tiến bộ kỹ thuật đã được các Bộ xác minh và quyết định đưa vào sản xuất. Trong quá trình theo dõi phong trào, Hội phản ánh những nhận xét về tác dụng và hiệu quả kinh tế của những tiến bộ kỹ thuật đã phổ biến, đồng thời đề xuất những tiến bộ kỹ thuật do quần chúng nghiên cứu phát hiện.
Hội phối hợp với cơ quan nghiên cứu và chỉ đạo của các Bộ tổ chức điều tra thu thập các giống cây, con, các đặc sản trong nghề vườn, tổ chức thực nghiệm khu vực hoá các cây con mới (do cơ quan Nhà nước hay những người làm vườn lai tạo được hoặc nhập nội), tổ chức tổng kết kinh nghiệm của nhân dân trong tổ chức sản xuất và quản lý, trong kỹ thuật làm vườn, trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cơ quan nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật của các Bộ chuyển giao cho Hội những cây, con giống, những kỹ thuật đã có kết luận để Hội tổ chức nhân giống và phổ biến trong sản xuất.
Để tạo điều kiện đưa tiến bộ kỹ thuật vào nghề vườn, Hội phối hợp cùng với các cơ quan hữu quan của các Bộ tổ chức các dịch vụ kỹ thuật cần thiết như cung ứng cây, con giống, cung ứng công cụ lao động và các vật tư kỹ thuật khác (phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thức ăn gia súc, chất kích thích sinh trưởng, v.v…), hướng dẫn và thiết kế kỹ thuật, hướng dẫn và tổ chức chế biến tiêu thụ sản phẩm kinh tế vườn.
Hội nhận phổ biến các công cụ nghề vườn do các cơ quan của các Bộ nghiên cứu sản xuất (bao gồm các công cụ thủ công và cơ khí) hoặc tổ chức sản xuất các loại công cụ theo mẫu và sự hướng dẫn của cơ quan hữu quan thuộc các Bộ.
Ngoài các loại vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, vật liệu xây dựng v.v… do các Bộ giao cho Hội để chủ đạo phong trào theo kế hoạch đã được duyệt (phong trào vườn cây, ao cá Bác Hồ, phong trào trồng cây nhân dân, v.v…). Hội có thể trên cơ sở liên kết, liên doanh với các ngành hữu quan tổ chức sản xuất nhập khẩu và cung ứng một số vật tư kỹ thuật cần thiết cho nghề làm vườn, chủ yếu cho hội viên.
Hội nhận thiết kế và hướng dẫn kỹ thuật về nghề vườn cho các cơ sở (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, xí nghiệp, trường học, đơn vị quân đội…) không thuộc phạm vi chương trình của các cơ quan thuộc các Bộ hoặc những cơ quan này không có điều kiện thực hiện (như hướng dẫn và thiết kế các vườn, ao gia đình). Các cơ quan hữu quan của các Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ Hội trong công việc này; cung cấp tài liệu kỹ thuật, các thiết kế mẫu, giúp đào tạo huấn luyện cán bộ…
d) Tổ chức huấn luyện kỹ thuật và đào tạo cán bộ, công nhân về nghề vườn:
Hội phối hợp với các Bộ tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp huấn luyện kỹ thuật nhằm nâng cao tay nghề cho những người làm vườn, đề xuất với các Bộ yêu cầu về đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật cho nghề vườn.
Các Bộ cử giảng viên, huấn luyện viên và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội trong việc tổ chức các lớp huấn luyện.
Trên đây là những quy định chung về việc hỗ trợ và phối hợp hoạt động giữa các Bộ và Hội những người làm vườn.
Các cơ quan thuộc Bộ ở Trung ương và địa phương (cục, vụ, viện, công ty, liên hiệp xí nghiệp, sở, ban, v.v…) tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà thảo luận với các cấp bộ Hội tương ứng để vận dụng thực hiện. Trong quá trình thực hiện có nhận xét, kinh nghiệm gì kịp thời báo cáo lên Bộ và Trung ương Hội.
Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chủ đạo việc phối hợp hoạt động giữa các ngành hữu quan và tỉnh, thành Hội.
Reviews
There are no reviews yet.