QUYẾT ĐỊNH
SỐ 16-NH/QĐ NGÀY 26-4-1988
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ LẬP VÀ
CHẤP HÀNH KẾ HOẠCH TÍN DỤNG CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 53-HĐBT ngày 26-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.– Ban hành theo Quyết định này quy định về trình tự lập và chấp hành kế hoạch tín dụng của hệ thống Ngân hàng.
Điều 2.– Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, áp dụng cho Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng chuyên doanh.
Điều 3.– Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam hướng dẫn thực hiện các nội dung quy định này phù hợp với đặc điểm tổ chức hoạt động kinh doanh của Ngân hàng mình.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế và kế hoạch phối hợp với các Vụ có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố thực hiện quy định này.
Điều 4.– Các đồng chí Chánh văn phòng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam, Vụ trưởng, Viện trưởng Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu; Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố, khu vực chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ LẬP VÀ CHẤP HÀNH KẾ HOẠCH TÍN DỤNG CỦA
HỆ THỐNG NGÂN HÀNG
(Ban hành theo Quyết định số 16-NH/QĐ ngày 26-4-1988 của
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Kế hoạch tín dụng của Ngân hàng được lập theo dạng cân đối : nguồn vốn và sử dụng vốn.
Chênh lệch giữa nguồn vốn sử dụng và vốn ngược lại:
– Đối với Ngân hàng Nhà nước là mức phát hành hoặc thu hồi tiền đang lưu thông;
– Đối với Ngân hàng chuyên doanh là mức vay vốn hoặc gửi vốn vào Ngân hàng Nhà nước.
Kế hoạch tín dụng được lập theo số dư; lập theo năm và quý, và theo tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước. Kế hoạch tín dụng quý là căn cứ để chỉ đạo công tác tín dụng, tiền tệ.
2. Kế hoạch tín dụng được lập từ chi nhánh ngân hàng chuyên doanh cơ sở xuất phát từ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tài chính của đơn vị kinh tế; được cân đối tại chi nhánh ngân hàng chuyên doanh cơ sở.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch, chi nhánh ngân hàng chuyên doanh cơ sở phải áp dụng các biện pháp tích cực, động viên cao nhất nguồn vốn tại địa phương, thực hiện cân đối tại chỗ để đáp ứng nhu cầu tín dụng của các ngành kinh tế.
3. Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng chuyên doanh chủ yếu bao gồm vốn tự có và coi như tự có, vốn huy động bằng cổ phần, cổ phiếu, tiền gửi của các đơn vị kinh tế và dân cư (kể cả tiền gửi tiết kiệm), vốn vay của Ngân hàng Nhà nước.
4. Sử dụng vốn để cho vay được bố trí theo dư nợ cho vay vốn lưu động, dư nợ cho vay vốn cố định; theo cơ cấu đầu tư tín dụng.
Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng chuyên doanh chủ yếu để cho vay ngắn hạn bổ sung nhu cầu vượt mức vốn lưu động tự có và tự huy động của đơn vị kinh tế; cho vay trung hạn vốn cố định để cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, mở rộng sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu đối với kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể.
Nguồn vốn để cho vay các đơn vị thi công xây lắp được cân đối từ các nguồn vốn thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chuyên doanh không sử dụng các loại vốn huy động ngắn hạn khác để cho vay.
5. Ngân hàng chuyên doanh chịu trách nhiệm lập, theo dõi, chỉ đạo và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng chuyên ngành thuộc phần mình phụ trách.
Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổng hợp, chỉ đạo, thanh tra thực hiện kế hoạch tín dụng.
Kế hoạch tín dụng và thông báo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng phải được Hội đồng ngân hàng các cấp xem xét theo quy định cụ thể ở mục II của văn bản này.
6. Trong phạm vi số vốn được Ngân hàng Nhà nước cho vay, Ngân hàng chuyên doanh thực hiện việc rút tiền một lần hoặc nhiều lần, bằng tiền mặt hay chuyển khoản theo nhu cầu sử dụng vốn của mình.
7. Nhằm bảo đảm khả năng chi trả cho khách hàng, các ngân hàng chuyên doanh ký gửi một phần nguồn vốn huy động vào Ngân hàng Nhà nước. Mức ký gửi vốn tối đa là 20% tổng số vốn huy động thực tế cuối quý trước. Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước quy định mức ký gửi vốn cụ thể phù hợp với tình hình hoạt động ở từng nơi, từng ngân hàng chuyên doanh.
8. Trong kỳ kế hoạch, nếu ngân hàng chuyên doanh thực hiện huy động vượt mức kế hoạch nguồn vốn, được sử dụng phần vượt đó để cho vay các đơn vị kinh tế.
II. TRÌNH TỰ LẬP VÀ CHẤP HÀNH KẾ HOẠCH TÍN DỤNG
A. TRÌNH TỰ LẬP KẾ HOẠCH.
1. Ở tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh, thành phố).
Các Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố soát xét, tổng hợp kế hoạch tín dụng của các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh trực thuộc gửi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và chuẩn bị ý kiến làm việc với Hội đồng Ngân hàng tỉnh, thành phố.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nghiên cứu, tổng hợp kế hoạch tín dụng của các Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố gửi đến để chuẩn bị ý kiến đưa ra Hội đồng Ngân hàng tỉnh, thành phố xem xét, cân đối trong phạm vi lãnh thổ.
Hội đồng Ngân hàng tỉnh, thành phố, căn cứ kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, của địa phương, các dự thảo kế hoạch tín dụng của các Ngân hàng chuyên doanh để xem xét kế hoạch tín dụng trên lãnh thổ. Hội đồng đánh giá, nhận định về khả năng nguồn vốn và biện pháp huy động, tình hình cho vay vốn đối với các đơn vị kinh tế trong kỳ hiện hành và trong kỳ kế hoạch. Trường hợp không cân đối vốn được tại địa phương thì mới cân đối bằng vốn vay Ngân hàng Nhà nước.
Trên cở sở ý kiến của Hội đồng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố lập và gửi kế hoạch tín dụng tổng hợp lên Ngân hàng Nhà nước trung ương; Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố lập và gửi kế hoạch tín dụng chuyên ngành lên Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam.
2. Ở Trung ương.
Các Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam xem xét, tổng hợp kế hoạch tín dụng của các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố gửi Ngân hàng Nhà nước trung ương và chuẩn bị ý kiến làm việc với Hội đồng Ngân hàng Trung ương.
Ngân hàng Nhà nước Trung ương tổng hợp kế hoạch tín dụng của các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và kế hoạch tín dụng của các Ngân hàng chuyên doanh đưa ra Hội đồng Ngân hàng Trung ương xem xét; sau đó làm thủ tục để Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước trình Hội đồng Bộ trưởng.
B. TRÌNH TỰ THÔNG BÁO CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH TÍN DỤNG Đà ĐƯỢC DUYỆT.
1. Ở Trung ương.
Căn cứ kế hoạch tín dụng được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước trung ương dự kiến phân phối chỉ tiêu kế hoạch cho từng Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam đưa ra Hội đồng Ngân hàng Trung ương xem xét.
Sau khi có ý kiến của Hội đồng Ngân hàng Trung ương, các Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam dự kiến và bàn bạc thống nhất với Ngân hàng Nhà nước để phân phối chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho từng Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh thành phố.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Trung ương thông báo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng tổng hợp cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; các Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam thông báo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng chuyên ngành cho Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố.
2. Ở tỉnh, thành phố.
Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố phân phối và thông báo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh trực thuộc thực hiện.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố căn cứ chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước Trung ương giao để cho các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh vay vốn.
C. ĐIỀU HOÀ CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH TÍN DỤNG.
Các Ngân hàng chuyên doanh có trách nhiệm thực hiện cơ cấu đầu tư tín dụng được duyệt. Trường hợp cụ thể, có căn cứ và hiệu quả kinh tế, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố được quyền điều hoà các chỉ tiêu từ thành phần kinh tế, ngành kinh tế này sang thành phần kinh tế ngành kinh tế khác và báo cáo Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam.
D. ĐIỀU CHỈNH CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH TÍN DỤNG.
1. Ngân hàng Nhà nước.
Tiến hành cho vay “chiết khấu” các khoản tiền Ngân hàng chuyên doanh đã cho khách hàng vay, có khế ước và thời hạn cụ thể, trong phạm vi vốn dự trữ của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, và mức tăng tiền gửi thực tế so với kế hoạch của các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tại Ngân hàng Nhà nước.
2. Ngân hàng chuyên doanh.
– Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu có nhu cầu tăng vốn để cho các đơn vị kinh tế vay, sau khi khai thác mọi nguồn vốn vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu của đơn vị kinh tế, Ngân hàng chuyên doanh làm thủ tục xin Ngân hàng Nhà nước cho vay “chiết khấu”.
– Thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch đối với các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh cấp dưới.
– Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam được quyền sử dụng vốn dự trữ của mình (không quá 10% tổng mức kế hoạch vay vốn của Ngân hàng Nhà nước) để bổ sung chỉ tiêu vay vốn Ngân hàng Nhà nước cho các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh cơ sở thiếu vốn hoạt động.
Trường hợp Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam đã dùng hết vốn dự trữ, không còn vốn để điều chỉnh cho các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh cơ sở thiếu vốn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh cơ sở được vay “chiết khấu” của Ngân hàng Nhà nước như đã nêu ở trên.
Đ. BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH.
1. Cuối quý, không chậm quá ngày 5 tháng kế tiếp, các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố sơ kết thực hiện kế hoạch, gửi báo cáo lên Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng, tiền mặt quý đưa ra Hội đồng Ngân hàng tỉnh xem xét, bàn biện pháp phát huy mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, sau đó gửi báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
Ngân hàng Nhà nước Trung ương tổng hợp kết quả và tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng, tiền mặt quý đưa ra Hội đồng Ngân hàng Trung ương xem xét, quyết định các biện pháp không ngừng hoàn thiện và nâng cao hoạt động tín dụng của các Ngân hàng chuyên doanh cũng như mối quan hệ về vốn và quản lý vốn giữa Ngân hàng Nhà nước với các Ngân hàng chuyên doanh.
2. Không chậm quá ngày 20 tháng 1 hàng năm, các Chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố phải báo cáo thực hiện kế hoạch tín dụng năm trước gửi Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam; không chậm quá ngày 31 tháng 1 hàng năm, Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam phải báo cáo thực hiện kế hoạch tín dụng năm trước toàn hệ thống gửi Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.
3. Kết quả thực hiện kế hoạch tín dụng là căn cứ để xem xét hoàn thành kế hoạch năm; trong đó coi trọng các nội dung sau đây:
– Mức vay vốn thực tế so với kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước:
– Số tiền bị phạt do sử dụng vốn quá mức kế hoạch và chậm trả các khoản vay “chiết khấu”:
– Cơ cấu tín dụng tự động thay đổi với kế hoạch được chấp thuận mà không chứng minh được hiệu quả kinh tế phù hợp.
Reviews
There are no reviews yet.