QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 194-HĐBT NGÀY 23-12-1988
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC Xà MUA BÁN
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Để đổi mới tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã mua bán;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội thương và thủ trưởng các ngành có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã mua bán.
Điều 2
Bản quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1989. Những quy định trước đây của các cơ quan Nhà nước trái với bản Quy định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Quyết định này.
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC Xà MUA BÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 194-HĐBT ngày 23-12-1988
của Hội đồng Bộ trưởng)
Điều 1
Hợp tác xã mua bán là tổ chức kinh tế – xã hội của tập thể nhân dân lao động, chủ yếu kinh doanh thương mại và dịch vụ, được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, hạch toán kinh tế và quản lý dân chủ được Nhà nước khuyến khích, hướng dẫn, giúp đỡ và bảo hộ theo pháp luật.
Điều 2
Hợp tác xã mua bán có các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
1- Tổ chức mua và làm đại lý mua sản phẩm hàng hoá của các thành phần kinh tế; tổ chức bán và làm đại lý bán hàng tiêu dùng và những tư liệu sản xuất nhỏ, thông dụng; tổ chức các hoạt động dịch vụ và kinh doanh ăn uống công cộng.
2- Khai thác các tiềm năng tại chỗ về lao động, nguyên liệu và tiền vốn để tổ chức sản xuất, gia công chế biến làm tăng thêm quỹ hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
3- Liên kết chặt chẽ với thương nghiệp quốc doanh và các tổ chức kinh tế khác để mở rộng kinh doanh.
4- Mở rộng quan hệ trao đổi hàng hoá, hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ về khoa học – kỹ thuật và vốn đầu tư của nước ngoài để góp phần phát triển kinh tế trong nước; thực hiện tốt nhiệm vụ một thành viên của liên minh các hợp tác xã quốc tế.
5- Tổ chức tốt việc quản lý, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh, loại trừ mọi hành vi tiêu cực và thực hiện văn minh thương nghiệp.
6- Thông qua các hoạt động nói trên mà góp phần mở rộng giao lưu hàng hoá giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, làm sống động và lành mạnh thị trường, kích thích kinh tế hàng hoá phát triển, thiết thực đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tăng thu nhập của xã viên và tập thể, tham gia tích cực vào việc thực hiện các chính sách xã hội.
Điều 3
Hợp tác xã mua bán phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước về kinh doanh thương mại và dịch vụ; làm đúng nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Điều 4
Việc tổ chức và quản lý nội bộ hệ thống hợp tác xã mua bán từ cơ sở đến trung ương do tập thể xã viên hoặc đại hội đại biểu xã viên hợp tác xã mua bán quyết định phù hợp với pháp luật Nhà nước, không một cơ quan nào được áp đặt hoặc can thiệp trái pháp luật.
Điều 5
Quyền chủ động kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của hợp tác xã mua bán được thực hiện theo những quy định của Nhà nước đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh.
Quan hệ giữa hợp tác xã mua bán với các tổ chức kinh tế khác được thực hiện chủ yếu thông qua hợp đồng kinh tế và đều bình đẳng trước pháp luật. Việc tham gia liên doanh, liên kết kinh tế với các tổ chức kinh tế khác là do hợp tác xã mua bán tự nguyện và chủ động quyết định.
Điều 6
Nhà nước không giao chỉ tiêu pháp lệnh cho hợp tác xã mua bán mà thông qua các chính sách đòn bẩy kinh tế và pháp luật để hướng dẫn, khuyến khích và giám sát hợp tác xã mua bán kinh doanh có lợi cho quốc kế dân sinh.
Các tổ chức kinh tế quốc doanh cũng như các tổ chức kinh tế khác uỷ thác hợp tác xã mua bán mua hoặc bán hàng cho mình thì phải bảo đảm những điều kiện cần thiết để thực hiện theo hợp đồng đã ký với hợp tác xã mua bán.
Hợp tác xã mua bán gửi kế hoạch kinh tế – xã hội của mình cho cơ quan kế hoạch Nhà nước và cơ quan quản lý thương nghiệp của Nhà nước.
Điều 7
Ngoài những mặt hàng do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước định giá và những mặt hàng nhận uỷ thác mua hoặc bán cho các tổ chức kinh tế quốc doanh do các tổ chức ấy hướng dẫn giá mua, giá bán, các mặt hàng khác thì hợp tác xã mua bán thoả thuận với các khách hàng về giá mua, giá bán được xã viên và người tiêu dùng chấp nhận dưới sự giám sát của Nhà nước, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Điều 8
Ngoài vốn cổ phần do các xã viên góp, hợp tác xã mua bán được huy động bằng các hình thức thích hợp vốn nhàn rỗi của các tổ chức kinh tế khác và của dân cư, kể cả việc tổ chức tín dụng hợp tác xã mua bán dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước; được vay vốn của Ngân hàng với lãi suất như đối với thương nghiệp quốc doanh; được chọn Ngân hàng, kể cả Ngân hàng Ngoại thương, để mở tài khoản giao dịch; được vay vốn của các tổ chức hợp tác xã nước ngoài với điều kiện tự thanh toán được bằng ngoại tệ.
Đối với số vốn mà ngân sách Nhà nước đã cấp trước đây cho hợp tác xã mua bán. Bộ Tài chính cùng Bộ Nội thương xem xét giải quyết một cách thoả đáng.
Viện trợ của nước ngoài cho hợp tác xã mua bán thì hợp tác xã mua bán được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật, bổ sung quỹ hàng hoá và vốn tự có, nhưng phải báo cáo với Bộ Tài chính để phản ánh vào Ngân sách Nhà nước.
Điều 9
Ngoài việc nộp thuế theo chính sách được Nhà nước ưu đãi, hàng năm tạm thời hợp tác xã mua bán trích 30% thực lãi nộp vào ngân sách Nhà nước. ở những nơi hoạt động trong điều kiện đặc biệt khó khăn, thì theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu xem xét và quyết định mức miễn giảm các khoản hợp tác xã mua bán phải nộp cho ngân sách Nhà nước.
Điều 10
Tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi và bảo hiểm xã hội cho cán bộ, nhân viên hợp tác xã mua bán do hợp tác xã mua bán tự đài thọ bằng kết quả kinh doanh của mình, quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động.
Hội đồng Trung ương hợp tác xã mua bán Việt Nam, cùng Bộ Nội thương bàn với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức thực hiện quỹ bảo hiểm xã hội cho cán bộ nhân viên hợp tác xã mua bán.
Điều 11
Bộ Nội thương có trách nhiệm:
– Sau khi lấy ý kiến các ngành có liên quan, hướng dẫn thi hành bản Quy định này.
– Giúp đỡ Hội đồng Trung ương hợp tác xã mua bán Việt Nam soạn thảo ngay Điều lệ Hợp tác xã mua bán phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống hợp tác xã mua bán, đưa ra lấy ý kiến các cấp quản lý hợp tác xã mua bán và đồng đảo xã viên, tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu xã viên toàn quốc của hợp tác xã mua bán; tiến hành chấn chính, củng cố các hợp tác xã mua bán theo tinh thần bản Quy định này, trước mắt cần đặc biệt chú trọng củng cố các hợp tác xã mua bán và các hợp tác xã tiêu thụ phường.
Reviews
There are no reviews yet.