QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 34-CT NGÀY 23/2/1989
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG TRƯỜNG HÀNH CHÍNH
CỦA TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
Tại cuộc họp ngày 26/1/1989 sau khi nghe đồng chí Hiệu trưởng Trường Hành chính Trung ương báo cáo và kiến nghị về việc tăng cường hệ thống các Trường hành chính Trung ương và các tỉnh, thành phố, ý kiến phát biểu của đại diện Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định:
1. Để thực hiện nhiệm vụ cải cách bộ máy Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, vấn đề bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước hiện nay là rất quan trọng và cấp bách.
Trường hành chính Trung ương cần phải được củng cố và tăng cường thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về quản lý Nhà nước, tương xứng với yêu cầu trong giai đoạn mới. Trường có các nhiệm vụ sau đây:
– Bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý Nhà nước cho các cán bộ đương chức hay chuẩn bị giữ chức vụ quản lý Nhà nước cao cấp và trung cấp.
– Đào tạo dài hạn đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng quản lý hành chính Nhà nước theo quy hoạch cán bộ.
– Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về quản lý Nhà nước.
– Trường hành chính Trung ương phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan khác tổ chức việc đào tạo bồi dưỡng những nhân viên nghiệp vụ hành chính như thư ký, biên tập, đánh máy, tốc ký…
Trường Hành chính Trung ương là một đơn vị trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng và được hưởng các quy chế như một Bộ, ở các tỉnh và thành phố, các Trường hành chính trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố.
2. Chương trình bồi dưỡng, đào tạo của các Trường Hành chính phải coi trọng cả phần lý luận và phần thực hành, gồm các kiến thức cơ bản và thực tiễn về quản lý Nhà nước, pháp luật, chủ trương, chính sách đang thực hiện. Phải rất chú trọng phần thực hành, sát với chức năng, nhiệm vụ và tiêu chuẩn của các chức danh cán bộ quản lý Nhà nước. Cần có các bài tập xử lý về quản lý hành chính Nhà nước, về pháp luật, về chính sách, biên tập và xử lý văn bản quản lý hành chính Nhà nước. Trường Hành chính Trung ương xây dựng chương trình cho các đối tượng khác nhau để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt.
3. Đối tượng bồi dưỡng của Trường hành chính Trung ương gồm có:
– Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương.
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
– Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận.
– Cán bộ cấp vụ, Chánh, Phó giám đốc sở, các chuyên viên quản lý hành chính Nhà nước bậc 3 trở lên, đang công tác ở các cơ quan Nhà nước Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Việc triệu tập học viên các lớp bồi dưỡng hàng năm do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
Đối tượng các lớp đào tạo dài hạn là những cán bộ trẻ, có trình độ đại học, đã qua một số năm công tác trong các cơ quan Nhà nước… quy chế chiêu sinh do Trường Hành chính Trung ương quy định cụ thể.
4. Hiệu trưởng Trường Hành chính Trung ương trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt và ban hành những quy chế Nhà nước về tuyển sinh, giảng dạy và học tập thi cử, về việc cán bộ quản lý Nhà nước các cấp nhất thiết phải qua bồi dưỡng, đào tạo ở Trường Hành chính Trung ương hoặc các Trường Hành chính tỉnh, thành phố.
Học viên Trường Hành chính Trung ương được hưởng chế độ sinh hoạt như học viên của Học viện Nguyễn ái Quốc.
5. Xây dựng đội ngũ giảng viên (chuyên trách và kiêm chức) là vấn đề quyết định nhất. Trường Hành chính Trung ương cần nghiên cứu và đề nghị Hội đồng Bộ trưởng về tiêu chuẩn và danh sách giảng viên để xét duyệt về kế hoạch đào tạo giảng viên của hệ thống các Trường hành chính.
6. Trường Hành chính Trung ương cần nghiên cứu xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học về bộ máy Nhà nước và cơ chế quản lý Nhà nước; trước mắt cần có các đề tài phục vụ nhiệm vụ về cải cách bộ máy Nhà nước và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tham gia vào các đề án của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề này; Để trường có điều kiện tham gia nghiên cứ những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng giảng dạy, trường được nhận những tài liệu cần thiết, được dự những cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng bàn những vấn đề có liên quan đến cơ chế quản lý Nhà nước.
7. Cần tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cho Trường Hành chính Trung ương.
8. Đồng ý cho Trường Hành chính Trung ương mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với một số nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vự đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học về quản lý Nhà nước.
Reviews
There are no reviews yet.