QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 38-HĐBT NGÀY 10/4/1989
VỀ LIÊN KẾT KINH TẾ TRONG SẢN XUẤT, LƯU THÔNG, DỊCH VỤ
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Để phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của tất cả các đơn vị và tổ chức kinh tế kinh doanh sản xuất, lưu thông, dịch vụ thuộc tất cả các thành phần kinh tế theo đúng pháp luật;
Để thúc đẩy nhanh quá trình phân công sản xuất chuyên môn hoá và hiệp tác hoá, nhằm khai thác mọi tiềm năng của các đơn kinh tế, làm cho sản xuất kinh doanh ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả cao, góp phần tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mở rộng các quỹ của xí nghiệp, tạo thêm nhiều chỗ làm việc và cải thiện thu nhập của người lao động,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.– Nay ban hành quy định về liên kết kinh tế giữa các đơn vị và tổ chức kinh tế kinh doanh sản xuất, lưu thông, dịch vụ thuộc tất cả các thành phần kinh tế.
Điều 2.– Bải bỏ các quy định về tổ chức hoạt động liên kết trong kinh tế ban hành theo Quyết định số 162-HĐBT ngày 14/12/1984 của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản có liên quan đến Quyết định này.
Điều 3.– Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này bằng các văn bản cụ thể hoá các phần của Quyết định có liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành của mình.
Điều 4.– Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng theo dõi và báo cáo về kết quả thực hiện các quy định theo Quyết định này lên Hội đồng Bộ trưởng vào cuối năm 1989, để nếu cần sẽ bổ sung cho thích hợp hơn.
Điều 5.– Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
QUY ĐỊNH
VỀ LIÊN KẾT KINH TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38-HĐBT ngày 10/4/1989
của Hội đồng Bộ trưởng)
PHẦN THỨ NHẤT
TỔ CHỨC LIÊN KẾT KINH TẾ
Điều 1.– Liên kết kinh tế là những hình thức phối hợp hoạt động, do các đơn vị kinh tế tự nguyện tiến hành để cùng nhau bàn bạc và đề ra các chủ trương, biện pháp có liên quan đến công việc sản xuất, kinh doanh của mình, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng có lợi nhất.
Sau khi bàn bạc thống nhất, các đơn vị thành viên trong tổ chức liên kết kinh tế cùng nhau ký kết hợp đồng về những vấn đề có liên quan đến phần hoạt động của mình để thực hiện.
Điều 2.– Mục tiêu của liên kết kinh tế là tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy chế hoạt động của từng tổ chức liên kết, để tiến hành phân công sản xuất chuyên môn hoá và hiệp tác hoá, nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng đơn vị tham gia liên kết, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của các bên liên kết, cũng như tăng thu ngân sách Nhà nước; hoặc để cùng nhau tạo thị trường chung, phân định hạn mức sản lượng cho từng đơn vị thành viên, giá cả cho từng loại sản phẩm, để bảo vệ lợi ích kinh tế của nhau, tạo cho nhau có khoản thu nhập cao nhất.
Tuỳ từng loại hình tổ chức và yêu cầu của sản xuất kinh doanh, mức độ liên kết giữa các đơn vị thành viên có thể theo từng loại công việc, từng bước của công nghệ sản xuất, theo từng loại sản phẩm hay theo từng lĩnh vực hoạt động chuyên môn hoá như cung ứng, chuẩn bị sản xuất, bảo quản, tiêu thụ v.v…
Điều 3.– Ngoài mục tiêu nêu tại điều 2, các thành viên trong tổ chức liên kết kinh tế có thể giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và quản lý; giúp đỡ nhau về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, cũng như thực hiện cho nhau các công việc cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, các công việc dịch vụ sửa chữa, bảo hành sản phẩm, máy móc, thiết bị, dịch vụ vận chuyển, thông tin, xử lý thông tin, v.v…
Các hoạt động này được ghi thành hợp đồng kinh tế.
Điều 4.– Liên kết kinh tế có nhiều hình thức và quy mô tổ chức khác nhau, tương ứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thành viên tham gia liên kết.
Những hình thức tổ chức liên kết phổ biến là:
– Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ.
– Nhóm sản phẩm, nhóm vệ tinh.
– Hội đồng sản xuất và tiêu thụ ngành.
– Hội đồng sản xuất và tiêu thụ theo vùng.
– Liên đoàn xuất nhập khẩu.
…
Mỗi tổ chức liên kết kinh tế có tên riêng, có quy chế hoạt động riêng, do các đơn vị thành viên dựa vào quy định này cùng nhau thoả thuận để xác định và phải được một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động.
Điều 5.– Các đơn vị thành viên tham gia liên kết kinh tế là các đơn vị có tư cách pháp nhân đầy đủ, không phân biệt quan hệ sở hữu, quan hệ trực thuộc về mặt quản lý Nhà nước theo ngành kinh tế – kỹ thuật, hoặc theo lãnh thổ.
Mỗi đơn vị kinh tế có thể cùng một lúc tham gia nhiều tổ chức liên kết khác nhau, và phải tôn trọng quy chế hoạt động của các tổ chức đó.
Sau khi tham gia liên kết kinh tế, không một đơn vị nào bị mất quyền tự chủ của mình, cũng như không được miễn, giảm bất cứ nghĩa vụ nào đối với Nhà nước theo pháp luật hay nghĩa vụ hợp đồng kinh tế đã ký với các đơn vị khác.
PHẦN THỨ HAI
TỔ CHỨC QUẢN LÝ
Điều 6.- Tổ chức liên kết kinh tế quản lý theo chế độ dân chủ và theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi, trên cơ sở nhất trí của các thành viên tham gia liên kết và do một Hội đồng quản trị của tổ chức liên kết quản lý.
Điều 7.– Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý tập thể của tổ chức liên kết, gồm các Giám đốc và những người phụ trách cao nhất của các đơn vị thành viên.
Thành viên của Hội đồng quản trị hoạt động theo nguyên tắc kiêm nhiệm, không chuyên. Đứng đầu Hội đồng quản trị là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuỳ yêu cầu cụ thể của từng tổ chức liên kết kinh tế, ngoài Chủ tịch có thể có một vài Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch do Hội đồng quản trị bầu.
Điều 8.– Hội đồng quản trị sinh hoạt định kỳ theo quy chế sinh hoạt của tổ chức liên kết và có các nhiệm vụ chính sau đây:
– Thông qua quy chế hoạt động của tổ chức liên kết.
– Bầu hay bãi miễn Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.
– Xác định phạm vi, mức độ, nội dung liên kết kinh tế, phương án liên kết giữa các đơn vị thành viên hoặc giữa các tổ chức liên kết với các đơn vị khác.
– Thông tin, thông báo cho nhau các kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và quản lý phù hợp với nhu cầu của tổ chức liên kết kinh tế.
– Xem xét việc trợ cấp hoặc khen thưởng Chủ tịch Hội đồng quản trị và các cán bộ trong Hội đồng quản trị có những đóng góp tích cực vào việc củng cố và phát triển tổ chức liên kết.
Điều 9.- Hội đồng quản trị sau mỗi kỳ họp có Nghị quyết để các thành viên thực hiện. Nghị quyết của Hội đồng quản trị do các thành viên thông qua theo nguyên tắc biểu quyết nhất trí.
Điều 10.– Các thành viên thực hiện nghị quyết của Hội đồng quản trị thông qua hợp đồng kinh tế. Trường hợp vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho các đơn vị thành viên khác thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo pháp luật của Nhà nước về hợp đồng kinh tế hiện hành.
Điều 11.- Chủ tịch Hội đồng quản trị là người lãnh đạo cao nhất của một đơn vị thành viên trong tổ chức liên kết, được các thành viên bầu theo nguyên tắc đa số tuyệt đối (quá bán), và theo nhiệm kỳ do quy chế hoạt động của tổ chức liên kết quy định. Về nguyên tắc, mỗi nhiệm kỳ không quá hai năm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có nhiệm vụ chuẩn bị các phương án hoạt động liên kết giữa các thành viên để trình ra hội nghị, Hội đồng quản trị thông qua; tổ chức việc thực hiện các phương án đã được ghi trong nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể đại diện cho các thành viên của tổ chức liên kết trong việc giao dịch với các tổ chức liên kết khác, với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức kinh tế khác để tìm hiểu các vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, và quản lý có liên quan đến nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thành viên.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền triệu tập các cuộc hội nghị Hội đồng quản trị bất thường để giải quyết các vấn đề đột xuất có liên quan đến hoạt động của tổ chức liên kết kinh tế.
Điều 12.– Chủ tịch Hội đồng quản trị không có bộ máy chuyên trách giúp việc, mà sử dụng bộ máy quản lý xí nghiệp của mình để hoạt động cho tổ chức liên kết kinh tế. Trong trường hợp cần có bộ máy gọn nhẹ riêng thì phải do Hội đồng quản trị quyết định cụ thể.
Trường hợp vắng mặt, Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền chỉ định một Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị thay thế. Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền chọn một số thành viên trong Hội đồng quản trị làm cán bộ tư vấn cho mình trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt Hội đồng quản trị thường kỳ và trong việc xây dựng các đề án liên kết kinh tế dài hạn, trung hạn. Các cán bộ tư vấn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên của Hội đồng quản trị do các đơn vị thành viên chủ quản trả lương theo chức danh của họ tại các đơn vị đó.
Trường hợp có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của tổ chức liên kết kinh tế, Chủ tịch Hội đồng quản trị được Hội đồng quản trị quyết định khen thưởng; nguồn lấy từ quỹ chuyên chi của tổ chức liên kết kinh tế.
PHẦN THỨ BA
CƠ CHẾ QUẢN LÝ CHỦ YẾU CỦA TỔ CHỨC LIÊN KẾT KINH TẾ
Điều 13.– Công việc chủ yếu trong công tác kế hoạch hoá của tổ chức liên kết kinh tế, trước hết là cùng nhau xác định các phương án phân công sản xuất chuyên môn hoá; các biện pháp phối hợp sản xuất, để hoàn thành tốt nhất kế hoạch phát triển của từng thành viên.
Hội đồng quản trị cùng nhau xây dựng và quyết định các phương án phối hợp, không phải trình bất cứ cơ quan nào xét duyệt.
Các đơn vị thành viên thực hiện kế hoạch phối hợp sản xuất, kinh doanh bằng hợp đồng kinh tế.
Điều 14.– Về tài chính, tổ chức liên kết kinh tế không có quỹ tập trung. Thể theo chương trình phối hợp sản xuất, kinh doanh, các đơn vị thành viên có thể cùng nhau thoả thuận bằng hợp đồng kinh tế về các khoản cho nhau thuê tài sản, cho vay tiền vốn hay vật tư để sản xuất, kinh doanh tỷ lệ lãi của các khoản cho thuê, cho vay do Hội đồng quản trị thoả thuận hay do các đơn vị thành viên có liên quan cùng nhau thoả thuận trên cơ sở pháp luật Nhà nước.
Trường hợp được các thành viên nhất trí thoả thuận, tổ chức liên kết kinh tế có thể lập một quỹ chuyên chi để chi cho việc tổ chức các cuộc hội nghị của Hội đồng quản trị hoặc các khoản chi cần thiết khác như khen thưởng Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc các cán bộ tích cực trong tổ chức liên kết kinh tế. Quỹ này lập theo sự đóng góp của các đơn vị thành viên và theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị quyết định và tính vào chi phí quản lý của các đơn vị thành viên.
Quỹ chuyên chi được giao cho đơn vị có người làm Chủ tịch Hội đồng quản trị để chi cho mục đích trên.
Chủ tịch Hội đồng quản trị báo cáo định kỳ trước các thành viên Hội đồng quản trị về việc lập và chi quỹ này.
Phần thứ tư
Điều khoản thi hành
Điều 15.- Quy định này áp dụng cho tất cả các tổ chức liên kết kinh tế.
Trường hợp cần tổ chức lại hoặc giải thể, phải có ít nhất một phần ba số thành viên trong tổ chức liên kết kinh tế đề nghị và do Hội đồng quản trị quyết định. Khi giải thể, các đơn vị thành viên phải hoàn thành hoặc tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ hợp đồng đã ký với các thành viên khác.
Tất cả các tổ chức liên kết kinh tế hiện hành dựa vào Quy định này để chấn chỉnh lại hoạt động của mình.
Reviews
There are no reviews yet.