QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 39-HĐBT NGÀY 10/4/1989
VỀ CHÍNH SÁCH LàI SUẤT TIỀN GỬI
VÀ CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4/7/1981;
Để phát huy tác dụng đòn bẩy của chính sách lãi suất tín dụng ngân hàng, nhằm thu hút được mọi nguồn vốn và tiền mặt trong xã hội, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và góp phần chống lạm phát;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngành liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng được quy định theo các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo tồn được vốn và có lãi:
– Lãi suất tiền gửi phải bù đắp được tỷ lệ trượt giá và có lãi khuyến khích các tổ chức và đơn vị kinh tế gửi tiền vào Ngân hàng.
– Lãi suất tiền cho vay phải bù đắp được tỷ lệ trượt giá, có lãi (trong trường hợp cần thiết có thể không lấy lãi) và có ưu đãi với những mặt hàng, ngành kinh tế và vùng kinh tế cần khuyến khích.
b) Lãi suất áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, và được điều chỉnh theo sự biến động của chỉ số giá cả thị trường xã hội (tháng hoặc quý).
c) Mọi nguồn vốn Ngân hàng huy động để cho vay đều phải trả lãi. Mọi khoản Ngân hàng cho vay đều thu lãi. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi bình quân 0,5%.
– Tiền trên tài khoản thanh toán (tài khoản vãng lai) Ngân hàng làm dịch vụ quỹ không thu lệ phí và không có lãi; Ngân hàng trả lãi khi có lệnh của chủ tài khoản trích chuyển từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi.
– Tiền kinh phí ngân sách cấp cho các đơn vị dự toán, Ngân hàng chỉ làm dịch vụ quỹ không trả lãi; Ngân hàng trả lãi tiền gửi kết dư ngân sách.
– Vốn phát hành Ngân hàng sử dụng cho tín dụng phải trả lãi.
d) Lãi suất tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ áp dụng theo mức lãi suất thị trường quốc tế.
Điều 2. – Cấu thành mức lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng bao gồm:
– Mức lãi suất cơ bản.
– Chỉ số giá cả thị trường xã hội.
a) Mức lãi suất cơ bản được quy định như sau:
– Tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức và đơn vị kinh tế: 0, 15%/ tháng.
– Tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng của các tổ chức và đơn vị kinh tế: 0,30%/tháng.
– Cho vay ưu đãi: từ 0,45 đến 0,6% tháng.
– Cho vay sản xuất công, nông nghiệp, vận tải không thuộc diện ưu đãi từ 0,66 đến 0,81%/tháng.
– Cho vay các tổ chức dịch vụ, du lịch và lưu thông từ 0,84% đến 1%/tháng.
b) Chỉ số giá cả thị trường xã hội được tính và công bố từng thời gian cho từng vùng.
Ngân hàng và các tổ chức, đơn vị kinh tế phải hạch toán riêng phần lãi bù trừ trượt giá để bảo toàn vốn tín dụng và vốn tự có, không được chuyển số lãi này vào thu nhập hoặc lợi nhuận của đơn vị.
Điều 3.– Nợ quá hạn phải chịu phạt từ 20% đến 50% lãi suất cho vay.
Điều 4. – ở những nơi có nhu cầu vay và có khả năng huy động vốn tại chỗ, Ngân hàng được huy động vốn và cho vay theo mức lãi suất thoả thuận.
Điều 5. – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định khung lãi suất cơ bản, chỉ số giá cả thị trường xã hội và danh mục kèm theo Quyết định này những mặt hàng, ngành kinh tế và vùng kinh tế được hưởng lãi suất ưu đãi.
Tổng cục Thống kê và Uỷ ban Vật giá Nhà nước tính chỉ số giá cả thị trường xã hội từng thời gian (tháng hoặc quý) trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào cuối tháng, cuối quý.
Trong phạm vi khung lãi suất cơ bản và chỉ số giá cả thị trường xã hội, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất tiền gửi và cho vay từng thời gian (tháng hoặc quý).
Điều 6. – Ngân hàng Nhà nước phải cải tiến công tác thanh toán, tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, đơn vị và cá nhân giao dịch và thanh toán qua Ngân hàng. Các tổ chức và đơn vị kinh tế có thu tiền mặt phải nộp vào ngân hàng. Chủ tài khoản có tiền ở Ngân hàng khi cần lấy ra thì Ngân hàng phải chi trả kịp thời và đủ số, nếu Ngân hàng trả chậm ngày nào phải chịu phạt ngày đó, mức phạt bằng mức lãi cho vay tương ứng của Ngân hàng. Ngân hàng và các tổ chức, đơn vị kinh tế khi chi trả tiền mặt cho các chứng từ thanh toán, kể cả séc, phải trả đủ số tiền ghi trên các chứng từ đó. Mọi hành vi tiêu cực lợi dụng trong thanh toán đều bị xử lý nghiêm ngặt theo pháp luật.
Điều 7 . – Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 4 năm 1989, các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể việc thi hành.
DANH MỤC
MẶT HÀNG, NGÀNH KINH TẾ
VÀ VÙNG KINH TẾ ĐƯỢC ƯU ĐàI LàI SUẤT CHO VAY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39-HĐBT
ngày 10/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng)
1. Mặt hàng:
– Phân bón, thuốc trừ sâu.
– Sản xuất và kinh doanh lương thực.
– Muối.
– Phát hành sách báo, sản xuất và phát hành phim ảnh.
2. Ngành kinh tế:
– Công nghiệp đóng tầu.
– Xây dựng cơ bản.
3. Vùng kinh tế:
– Vùng núi cao.
– Hải đảo.
Reviews
There are no reviews yet.