QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 288-CT NGÀY 16-10-1989
VỀ THANH TOÁN VÀ CHO VAY XUẤT NHẬP KHẨU THEO NGHỊ ĐỊNH THƯ ĐỐI VỚI
KHU VỰC Xà HỘI CHỦ NGHĨA
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế đối ngoại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngành liên quan ;
Để tạo điều kiện thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu theo Nghị định thư đối với khu vực xã hội chủ nghĩa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.– Việc thanh toán và cho vay vốn đối với các Tổng Công ty, Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu theo Nghị định thư đối với khu vực xã hội chủ nghĩa, thống nhất tập trung qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Điều 2.– Các Tổng Công ty, Công ty kinh doanh hàng nhập khẩu theo Nghị định thư với khu vực xã hội chủ nghĩa, khi giao hàng tại cảng cho các tổ chức đặt hàng nhập khẩu trong nước, phải nộp đầy đủ và kịp thời tiền hàng vào Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có trách nhiệm trích chuyển ngay cho Bộ Tài chính phần nộp ngân sách và cho Bộ Kinh tế đối ngoại phần dùng để thanh toán hàng xuất khẩu theo tỷ lệ do Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế đối ngoại thống nhất quy định.
Nguồn vốn để thanh toán tiền hàng nhập khẩu do các Tổng Công ty, Công ty kinh doanh nhập khẩu sử dụng vốn tự có, vốn tự huy động và vay vốn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi giao hàng tại cảng, các Tổng công ty, Công ty nhập khẩu phải nộp tiền vào Ngân hàng, nếu nộp chậm ngày nào phải chịu phạt ngày đó, mức phạt bằng 0,2% ngày trên số tiền chậm trả.
Giá cả để thanh toán và cho vay hàng nhập thực hiện theo giá (hoặc tỷ giá) bán vật tư, hàng hoá nhập khẩu của Nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Điều 3.– Các Tổng Công ty và Công ty kinh doanh hàng xuất nhập của các ngành Trung ương và địa phương, sau khi đã thực hiện giao hàng xuất khẩu sang khu vực các nước xã hội chủ nghĩa theo Nghị định thư của Chính phủ, được Ngân hàng Ngoại thương của Việt Nam thanh toán ngay bằng đồng Việt Nam theo sự xác nhận của Bộ Kinh tế đối ngoại và theo tỷ giá Rúp chuyển nhượng của từng nhóm hàng xuất khẩu trong từng thời kỳ do Bộ Kinh tế đối ngoại công bố sau khi bàn bạc thống nhất với Bộ Tài chính và Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
Nguồn vốn để thanh toán hàng xuất khẩu nói trên là nguồn thu tiền bán hàng nhập khẩu do Bộ Kinh tế đối ngoại quản lý. Trường hợp nguồn thu này chưa đủ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho vay thêm trong phạm vi được Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép; vượt quá mức đó, Bộ Kinh tế đối ngoại bàn với Ngân hàng Nhà nước và do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định.
Nhu cầu vốn để mua hàng xuất khẩu, do các đơn vị sử dụng nguồn vốn tự có, vốn tự huy động, nếu thiếu được Ngân hàng cho vay theo chế độ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 4.– Cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng các khoản vốn theo Quyết định số 240-CT ngày 11-9-1989 và Quyết định số 266- CT ngày 29-9-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để bổ sung vốn tín dụng, thực hiện thanh toán và cho vay xuất nhập khẩu như quy định ở điều 2 và 3 trên đây.
Số vốn cho vay hàng nhập theo các Quyết định trên, Ngân hàng Ngoại thương chỉ thu lệ phí 1% tháng.
Trước mắt, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam sử dụng nguồn vốn trên cho các Tổng Công ty, Công ty nhập khẩu vay vốn đối với hàng nhập đã giao trong 9 tháng đầu năm mà chưa có nguồn thanh toán để chuyển vào tài khoản của Bộ Kinh tế đối ngoại mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam làm nguồn vốn thanh toán cho các đơn vị xuất khẩu có số ngoại tệ đã giao hàng theo Nghị định thư sang khu vực xã hội chủ nghĩa, hiện chưa được thanh toán từ đầu năm đến ngày 30 tháng 9 năm 1989.
Điều 5. – Trách nhiệm của các bộ trong việc thanh toán và cho vay xuất nhập khẩu:
1. Bộ Tài Chính:
– Cùng với Bộ Kinh tế đối ngoại quy định việc trích nộp tiền hàng nhập khẩu cho ngân sách Nhà nước và cho thanh toán hàng xuất khẩu từ ngày 1-10-1989 trở đi; thanh quyết toán vật tư và vốn nhập khẩu, xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 30-9-1989.
– Phối hợp với các Bộ liên quan như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Kinh tế đối ngoại, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước xây dựng tỷ giá thanh toán Rúp chuyển nhượng áp dụng cho xuất khẩu để thực hiện từ ngày 1-1-1990.
– Làm thủ tục chuyển số vốn theo Quyết định số 240-CT ngày 11-9-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phát hành cho ngân sách sang phát hành cho tín dụng để thanh toán và cho vay xuất nhập khẩu.
2. Bộ Kinh tế đối ngoại.
– Thực hiện việc thanh quyết toán với các đơn vị xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 30-9-1989; xác định giá trị hàng xuất đã thực hiện, số vật tư và tiền đã thanh toán, số còn nợ (kể cả tiền trong nước và Rúp chuyển nhượng); trên cơ sở đó thông báo cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để thanh toán ngay cho các đơn vị xuất khẩu.
– Cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ có liên quan thanh quyết toán hàng nhập đã về, đã nộp tiền, số còn nợ phải thu tiếp từ đầu năm đến ngày 30-9-1989; quy định việc thanh toán vốn, nộp tiền hàng nhập khẩu từ ngày 1-10-1989.
– Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, triển khai thực hiện việc thanh toán và cho vay xuất nhập khẩu theo cơ chế mới từ ngày 1-10-1989.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
– Tổ chức việc thanh toán và cho vay xuất nhập khẩu theo Nghị định thư đối với các nước xã hội chủ nghĩa theo đúng các quy định trên đây.
– Cân đối đủ vốn để đáp ứng yêu cầu thanh toán và cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu, cũng như cho vay làm hàng xuất khẩu và mua hàng nhập.
Điều 6. – Quyết định này thi hành từ ngày 1-10-1989, các văn bản đã ban hành trái với Quyết định này đều không còn hiệu lực.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại và Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm của mình, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện.
Reviews
There are no reviews yet.