CHỈ THỊ
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 133-CT NGÀY 5-5-1990
VỀ CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ VIỆC TRAO ĐỔI HÀNG HOÁ
QUA BIÊN GIỚI TÂY NAM.
Ngày 21 tháng 2 năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 33-CT về quản lý việc trao đổi hàng hoá qua biên giới Tây Nam. Tiếp đó, có các Quyết định số 132-CT và 133-CT về tổ chức và tăng cường lực lượng kiểm soát chống buôn lậu và thu thuế xuất nhập khẩu qua biên giới; các Chỉ thị số 230-CT và 231-CT về chống nhập lậu và tận thu thuế nhập khẩu ôtô con, xe gắn máy, thuốc lá, bia, rượu; Chỉ thị số 340-CT về kiểm tra, đôn đốc việc chống nhập lậu và tận thu thuế hàng nhập qua biên giới.
Việc thực hiện các Chỉ thị và Quyết định nói trên đã góp phần bổ sung quỹ hàng hoá, kiềm chế tốc độ tăng giá trên thị trường và tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Song, một số ngành và địa phương chưa nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị và Quyết định đó. Tình trạng nhập lậu, trốn thuế và lưu thông trái phép hàng hoá của nước ngoài trên thị trường nước ta hiện nay vẫn nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất nhiều mặt hàng trong nước, gây bất lợi cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp, gây thất thu lớn đối với ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, việc trao đổi hàng hoá qua biên giới Tây Nam vẫn là nhu cầu thực tế của thị trường, nhưng cần được chấn chỉnh và phải quản lý chặt chẽ:
– Bất kỳ tổ chức nào tiến hành trao đổi hàng hoá qua biên giới Tây Nam cũng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước ta và thông lệ quốc tế về đường biên giới, không gây phương hại an ninh chính trị và trật tự xã hội nước ta và nước bạn, bảo đảm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
– Việc trao đổi hàng hoá qua biên giới phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, bảo hộ sản xuất trong nước phát triển và quyền lợi hợp pháp của các tổ chức kinh doanh.
– Các cơ quan chức năng của Nhà nước ở Trung ương và địa phương phải tổ chức chỉ đạo, phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu lực các chủ trương, biện pháp quản lý theo đúng pháp luật, chống buôn lậu qua biên giới, chống thất thu thuế và các hành vi tiêu cực khác.
Để đạt được các yêu cầu nói trên, cần thực hiện những chủ trương và biện pháp sau:
1- Thiết lập mối quan hệ chính thức về trao đổi hàng hoá giữa hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia
Để bảo đảm việc trao đổi hàng hoá qua biên giới giữa hai bên được thực hiện có tổ chức, bảo đảm pháp luật của mỗi nước và phù hợp với quy ước quốc tế về đường biên giới quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành và các địa phương phải làm tốt một số công việc sau:
a) Việc trao đổi hàng hoá qua biên giới Việt Nam -Cam-pu-chia phải xuất phát từ nhu cầu và khả năng sản xuất của thị trường trong nước. Các tổ chức kinh tế của trung ương và địa phương hàng năm phải chủ động nắm nhu cầu của thị trường trong nước và Cam-pu-chia để xây dựng kế hoạch nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch những mặt hàng cần thiết, hạn chế đi đến khắc phục hiện tượng các nước khác lấy Cam-pu-chia làm nơi phát luồng hàng hoá thẩm lậu vào thị trường Việt Nam.
Các hoạt động xuất nhập khẩu uỷ thác cho bạn, vận tải quá cảnh qua đất ta cũng như trên đất bạn đều phải chấp hành đúng các Hiệp định đã ký kết giữa hai nước.
b) Bộ Thương nghiệp chủ động bàn với Cam-pu-chia xây dựng và ký kết các Hiệp định trao đổi hàng hoá chính ngạch và tiểu ngạch giữa hai nước, kể cả việc tổ chức liên doanh giữa Công ty Vikamex với phía bạn cho phù hợp với sự phát triển của tình hình mới.
c) Bộ Nội vụ chủ động xây dựng quy chế quản lý đường biên giới để trình Hội đồng Bộ trưởng.
d) Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan bàn với phía bạn để ký kết các Hiệp định về thuế quan, về xuất nhập cảnh… bảo đảm phối hợp tốt sự kiểm soát giữa ta với bạn, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá hợp pháp.
đ) Trong khi chờ các hiệp định nói trên, Uỷ an nhân dân các tỉnh có chung biên giới với bạn chủ động với chính quyền của tỉnh bạn xây dựng các quy định tạm thời về quản lý đường biên giới và trao đổi hàng hoá qua biên giới.
e) Việc đưa lao động, phương tiện và vật tư sang giúp bạn xây dựng công trình hoặc tổ chức sản xuất và nhận về các phương tiện, vật tư và sản phẩm với giá trị tương ứng phải được tiến hành theo sự thoả thuận giữa hai bên, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Các tổ chức kinh tế của ta khi thực hiện việc trao đổi hàng hoá theo hình thức này phải được bộ chủ quản (Nếu là tổ chức kinh tế do trung ương trực tiếp quản lý) hoặc uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (Nếu là tổ chức kinh tế do địa phương quản lý) Cho phép, đồng thời thông báo cho Tổng cục Hải quan.
Các phương tiện, vật tư hàng hoá trao đổi trong quan hệ kết nghĩa hoặc liên kết kinh tế nói trên được miễn thuế xuất khẩu và nhập khẩu nếu là phương tiện, vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước của hai nước. Hàng tái xuất thì phải chịu thuế. Ngành Hải quan ở cửa khẩu phải giám sát để ngăn ngừa hành vi lợi dụng.
2- Về phát triển sản xuất trong nước
Để cạnh tranh với hàng nước ngoài và chống việc nhập lậu một cách thiết thực, các ngành sản xuất của trung ương và địa phương phải chủ động đầu tư, đổi mới thiết bị và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đặc biệt là sản xuất thuốc lá, rượu, bia, mỹ phẩm, hàng may mặc v.v…
3- Về chính sách mặt hàng
a) Cho phép xuất khẩu qua biên giới Tây nam những mặt hàng sau đây: Nông sản, Lâm sản, Hải sản, các công cụ sản xuất, hàng mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng sản xuất trong nước. Những nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ khu vực I theo hiệp định của Nhà nước muốn tái xuất sang bạn thì Bộ Thương nghiệp trình và phải được chủ tịch Hội đồng bộ trưởng cho phép.
b) Cho phép nhập qua biên giới những mặt hàng trong nước có nhu cầu thiết yếu về một số loại nông sản, lâm sản, phụ tùng, công cụ sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vải v.v…
Đối với những hàng hoá không thuộc nhu cầu thiết yếu của nhân dân và trong nước có đủ khả năng sản xuất như rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng may mặc v.v… thì phải hạn chế nhập khẩu bằng biện pháp đánh thuế theo luật định.
Tổ chức và cá nhân nào trốn thuế thì bị tịch thu hàng hoá và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Chủ tịch Bộ trưởng uỷ nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp thông báo danh mục mặt hàng cho phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trong từng thời gian.
c) Không cho phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới: vũ khí, đạn, chất nổ, pháo, các loại ma tuý, hoá chất độc, các sản phẩm văn hoá phản động đồi truỵ. Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào xuất nhập những mặt hàng này qua biên giới đều phải bị tịch thu và xử lý theo đúng pháp luật hiện hành.
4- Đối với những mặt hàng trong nước thật sự có nhu cầu và những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được thì cho phép các tổ chức kinh tế ở trung ương và tỉnh, thành phố, đặc khu nhập khẩu qua đường mậu dịch, không mua qua trung gian theo đường phí mậu dịch của Cam-pu-chia.
a) Đối với mặt hàng xe gắn máy và ôtô con: Bộ Thương nghiệp căn cứ nhu cầu nhập khẩu của các ngành và các địa phương để xây dựng kế hoạch nhập khẩu và phân bổ chỉ tiêu kế hoạch nhập khẩu cho các địa phương và các ngành, cấp giấy phép nhập khẩu cho các ngành và các địa phương có điều kiện nhập khẩu trực tiếp.
b) Rượu, bia, thuốc lá ngoại là mặt hàng hạn chế nhập khẩu, Bộ Thương nghiệp căn cứ vào nhu cầu của các tổ chức kinh tế có nhiệm vụ phục vụ một số đối tượng tiêu dùng đặc biệt cấp giấy phép cho các tổ chức kinh tế này được nhập khẩu qua đường mậu dịch. Hàng nhập về phải đưa đến người tiêu dùng trực tiếp, không mua đi bán lại qua nhiều khâu trung gian.
5- Về đối tượng được phép xuất, nhập qua biên giới.
a) Cư dân của ta ở biên giới được trực tiếp trao đổi với nhân dân nước bạn theo phong tục và tập quán của mỗi bên những sản phẩm do mình sản xuất để mua về những thứ cho mình dùng. Trong trường hợp này không phải nộp thuế. Nếu mua hàng để buôn bán thì phải nộp đủ thuế theo Luật định.
b) Các tổ chức kinh tế của Nhà nước và tập thể (hợp tác xã mua bán) ở các huyện, địa phương có đường biên giới nếu kinh doanh qua biên giới phải đăng ký, xin cấp giấy phép và phải do Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép. Khi đã được phép phải chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý của Nhà nước và phải nộp thuế theo Luật định.
c) Các tổ chức kinh tế của quân đội và công an đã được Nhà nước chính thức cho phép thành lập nếu kinh doanh buôn bán qua biên giới cũng phải xin phép và trong hoạt động phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước như các tổ chức kinh tế quốc doanh khác. Các phương tiện vận tải thuỷ, bộ dùng vào kinh doanh phải đăng ký và treo biển số như tầu, xe của các tổ chức, kinh tế quốc doanh khác.
Ngoài các tổ chức chuyên làm kinh tế nói trên, mọi lực lượng khác của quân đội, bộ đội biên phòng, hải quan, công an, không được kinh doanh buôn bán qua biên giới.
d) Thương nhân không được qua lại biên giới để buôn bán, ai vi phạm sẽ bị xử lý như hành vi buôn lậu.
6- Về chính sách thuế
Để ngăn chặn việc nhập lậu các mặt hàng không phải là nhu cầu thiết yếu của số đông người như rượu, bia, thuốc lá, xe gắn máy, ôtô du lịch… cần điều chỉnh lại mức thuế nhập khẩu mậu dịch và phí mậu dịch.
Trong khi chờ Hội đồng Nhà nước quyết định chủ trương điều chỉnh thuế suất, cần tiến hành ngay một số biện pháp sau đây:
– Đối với mặt hàng ôtô con: đánh thuế 60%, vận dụng mức tối đa trong biểu thuế nhập khẩu mậu dịch.
– Các tổ chức quốc doanh được áp dụng thống nhất thuế suất nhập hàng mậu dịch đối với các mặt hàng xe máy, rượu, bia, thuốc lá, tính theo giá nhập khẩu chính ngạch. Những mặt hàng không có trong danh mục giá tính thuế, Bộ Tài chính xác định giá làm cơ sở tính thuế và công bố cho các ngành, các địa phương.
– Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vẫn áp dụng chính sách thuế nhập phi mậu dịch, song phải xác định giá tính thuế hợp lý để Nhà nước thu được thuế và người nộp thuế chấp nhận được đồng thời có tác dụng ngăn chặn nhập lậu. Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng lại biểu giá tính thuế đối với các mặt hàng trên.
– Việc đánh thuế hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới cần tiến hành tại gốc để bảo đảm sự quản lý được chặt chẽ và chống sơ hở, làm thất thoát thuế.
7- Về kiểm tra, kiểm soát
Các ngành, các địa phương cần tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động trong trao đổi hàng hoá qua biên giới.
a) Ngành Hải quan phải tăng cường cán bộ có phẩm chất tốt, trang bị phương tiện cần thiết và chủ trì sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng, cảnh sát cửa khẩu, lực lượng quản lý thị trường trong hoạt động chống buôn lậu qua biên giới.
b) Địa phương nào cần tổ chức lực lượng kiểm soát liên ngành bao gồm Tài chính, Công an, Quân đội, Thanh tra, Thương nghiệp chống buôn lậu sâu trong nội địa, thì Uỷ ban nhân dân tỉnh cần bàn thống nhất với Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, để ra quyết định.
c) Các địa phương cần phổ biến cho nhân dân pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm chống buôn lậu qua biên giới, bảo vệ sản xuất trong nước, chống việc trốn, lậu thuế, trên cơ sở đó phát động quần chúng tham gia công tác kiểm tra, kiểm soát. Khen thưởng thích đáng những người có công.
d) Để khuyến khích các lực lượng kể cả nhân dân, tham gia chống buôn lậu, cho phép áp dụng mức cao nhất trong khung tỷ lệ tiền thưởng của Pháp lệnh xử phạt hành chính (15%). Riêng ba mặt hàng thuốc lá, rượu, bia ngoại áp dụng tỷ lệ trích thưởng 30% trên tổng giá trị hàng hoá phạm pháp.
Số tiền thưởng này được phân bổ như sau:
80% để lại cho các tổ chức và cá nhân trực tiếp phát hiện, bắt giữ, xử lý; 20% nộp cho cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị kiểm tra để thưởng cho những người gián tiếp.
8- Về lợi ích kinh tế của các địa phương
Để khuyến khích các địa phương có thành tích tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức và quản lý hoạt động trao đổi hàng hoá qua biên giới và chống buôn lậu, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương xây dựng cơ sở vật chất ở đường biên, nay quy định như sau:
– Đối với các địa phương có huyện xã biên giới, tuỳ tình hình cụ thể xem xét để lại cho ngân sách địa phương một tỷ lệ nhất định về thuế phí mậu dịch. Bộ Tài chính nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng về tỷ lệ điều tiết này đối với các tỉnh biên giới Tây Nam.
– Các khoản thu do kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu (tiền, hàng tịch thu, truy thu thuế phát hành chính…) sau khi trích thưởng theo chế độ, số còn lại dành toàn bộ cho ngân sách địa phương.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị 33-CT ngày 21 tháng 2 năm 1989. Trưởng ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương chủ trì, đôn đốc các cơ quan chức năng của Nhà nước, hướng dẫn và có kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được phân công, hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, trở ngại mới nảy sinh phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, biện pháp xử lý kịp thời.
Reviews
There are no reviews yet.