NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 135-HĐBT NGÀY 7-5-1990
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN TỔ CHỨC – CÁN BỘ CỦA CHÍNH PHỦ
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng họp ngày 12 tháng 4 năm 1990
,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1
Ban Tổ chức – cán bộ của Chính phủ là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo và quản lý về tổ chức và cán bộ thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Điều 2
Ban có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
1- Xây dựng để Hội đồng Bộ trưởng xem xét và trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước quyết định cơ cấu tổ chức Hội đồng Bộ trưởng và hệ thống tổ chức chính quyền các cấp, giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tổ chức thực hiện các quyết định ấy.
Dự thảo các dự án Luật, Pháp lệnh, các Nghị định, Quyết định v.v… về lĩnh vực công tác tổ chức – cán bộ để Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước ban hành hoặc Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
2- Xây dựng các quy chế về thành lập, sáp nhập, giải thể về tổ chức và hoạt động của các tổ chức thuộc hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước, (các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan chuyên môn giúp Bộ, Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý Nhà nước v.v…) và các tổ chức sự nghiệp trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc được sự uỷ quyền ban hành.
Chuẩn bị để Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng; trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.
3- Xây dựng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chức danh, tiêu chuẩn viên chức Nhà nước; được uỷ quyền ban hành các chức danh và tiêu chuẩn viên chức đối với từng ngành, lĩnh vực.
Xây dựng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các quy chế về quản lý biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Tổ chức và chỉ đạo việc quản lý biên chế thuộc cơ quan hành chính – sự nghiệp ở trung ương và các địa phương.
4- Nghiên cứu để Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước hoặc Hội đồng Bộ trưởng ban hành các quy định về thành lập các Hội quần chúng; trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Hội quần chúng có tính chất xã hội và nghề nghiệp.
Theo dõi sự hoạt động của các Hội theo pháp luật Nhà nước.
5- Giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tổ chức chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp theo Luật bầu cử quy định.
6- Dự thảo trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định các nguyên tắc và tiêu chuẩn làm căn cứ phân vạch địa giới hành chính các cấp.
Chuẩn bị để Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước quyết định việc phân vạch địa giới hành chính tỉnh và đơn vị hành chính tương đương hoặc để Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc phân vạch địa giới hành chính huyện và đơn vị hành chính tương đương.
Quyết định việc phân vạch địa giới hành chính xã, phường (và đơn vị hành chính tương đương) theo đề nghị của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
7- Nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định các kế hoạch và quy chế về công tác cán bộ thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước bao gồm: kế hoạch, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, quy hoạch cán bộ, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, thuyên chuyển, phân cấp quản lý cán bộ.
Nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chính sách đối với cán bộ các cơ quan Nhà nước ở các cấp.
Giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo dõi, quản lý cán bộ và chuẩn bị để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định về công tác cán bộ (nhận xét, điều động, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương…) thuộc các chức danh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quản lý.
8- Hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và quy chế về công tác tổ chức – cán bộ.
Chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Vụ Tổ chức của các Bộ và Ban Tổ chức chính quyền các địa phương.
Điều 3
Tổ chức bộ máy của Ban gồm có một số Vụ, Văn phòng do Trưởng ban Tổ chức – cán bộ của Chính phủ quyết định.
Lãnh đạo Ban do một Bộ trưởng (thành viên Hội đồng Bộ trưởng) làm Trưởng ban, giúp việc Trưởng ban có các Phó trưởng ban trong đó có một Phó trưởng ban thứ nhất.
Ban làm việc theo chế độ Thủ trưởng và được hoạt động theo quy chế như Bộ.
Điều 4
Nghị định này thay thế Nghị định 29-CP ngày 20-2-1973. Những văn bản đã ban hành trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 5
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương có chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Reviews
There are no reviews yet.