CHỉ THị
CủA CHủ TịCH HộI đồNG Bộ TRưởNG Số 19-CT NGàY 22-1-1991
Về VIệC CHấN CHỉNH CôNG TáC QUảN Lý đô THị
Hội nghị đô thị toàn quốc lần thứ nhất vừa qua đã khảng định vị trí chiến lược và vai trò quan trọng của các đô thị đối với toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước.
Ở nước ta, kinh tế đô thị còn kém phát triển, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu thốn, số người lao động thiếu việc làm đang tăng nhanh. Tình hình nhà ở căng thẳng đang là một vấn đề xã hội gay gắt. Các công trình công cộng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị còn thiếu và xuống cấp nhanh, môi trường sống ngày càng xấu đi. Việc cấp đất và cấp giấy phép xây dựng tuỳ tiện, làm cho bộ mặt kiến trúc đô thị càng lộn xộn, hỗn tạp. Công tác quản lý đô thị còn bị buông lỏng, tình hình an ninh trật tự chưa đảm bảo. Tổ chức quản lý, bộ máy hành chính và bố trí cán bộ chưa thực phù hợp với đặc thù của đô thị.
Nguyên nhân của tình hình trên là do nền kinh tế còn nhiều khó khăn và mất cân đối, chính sách bao cấp về tài chính kéo dài, nhận thức về vai trò của đô thị và sự quan tâm đóng góp vào công tác xây dựng và quản lý đô thị chưa được thống nhất và coi trọng. Luật lệ và chính sách còn thiếu và chậm thay đổi, ý thức chấp hành luật pháp ngày càng giảm sút. Chiến lược phát triển đô thị còn thiếu, quy hoạch đô thị không sát thực tế. Công tác xây dựng và quản lý đô thị ít được tổng kết.
Để khắc phục tình trạng trên đây, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị cho các ngành, các cấp thực hiện những nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. Cần nhận thức rõ vị trí chiến lược và vai trò quan trọng của hệ thống đô thị đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Để thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển, ở các thành phố, thị xã, tỉnh lỵ và đặc biệt là ở thủ đô Hà nội, các thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp tập trung cần coi trọng việc huy động chất xám nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động dịch vụ thương mại, củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư của nước ngoài, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất hiện có và mở mang các cơ sở mới để tạo thêm việc làm cho người lao động phù hợp với đường lối đổi mới, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời phải chú ý đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định đời sống nhân dân nhằm xây dựng đô thị vững mạnh.
Bộ Xây dựng sớm trình chiến lược chung về phát triển đô thị vì đó là một bộ phận quan trọng của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Uỷ ban Nhân dân các đô thị cần xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tại đô thị một cách vững chắc và tích cực, dựa trên các nguồn lực huy động của chính bản thân đô thị, không ỷ lại vào ngân sách Nhà nước.
2. Đổi mới công tác quy hoạch và tăng cường quản lý xây dựng đô thị:
Việc cải tạo và xây dựng các đô thị phải theo quy hoạch được duyệt. Công tác quy hoạch đô thị phải được thay đổi cho phù hợp với đường lối đổi mới của nước ta. Quy hoạch các đô thị phải quán triệt quan điểm “Phát triển đô thị là sự nghiệp của dân, vì dân, do dân” nhằm giải phóng và phát huy mọi tiềm năng của con người, huy động được nhiều nguồn vốn xây dựng khác.
Quy hoạch chung là quy hoạch định hướng phát triển đô thị. Ngoài định hướng tổng quan, quy hoạch chung cần chỉ ra những yêu cầu cần đạt được cho từng tiểu khu, tuyến, đầu mối trọng điểm.
Trên cơ sở đó đẩy mạnh quy hoạch ngắn hạn và quy hoạch chi tiết từng khu trong đô thị để làm cơ sở cho việc cấp giấy phép sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng. Quy hoạch ngắn hạn cần được thể hiện bằng các dự án cụ thể.
Trong năm 1991, phải khẩn trương rà soát lại các quy hoạch đã có, lập và trình duyệt quy hoạch của tất cả các thành phố và thị xã tỉnh lỵ theo nội dung đã được đổi mới. Bộ Xây dựng hướng dẫn trình tự và nội dung lập và trình duyệt quy hoạch các đô thị.
Về tổ chức quản lý xây dựng đô thị sẽ từng bước hình thành hệ thống kiến trúc sư trưởng đô thị để tạo nên bộ máy có hiệu lực. Bộ Xây dựng, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần sớm thực hiện thí điểm chế độ kiến trúc sư trưởng để phổ biến kinh nghiệp cho các đô thị khác.
Vấn đề đất đai chuyên dụng cho mục đích quốc phòng trong các đô thị đang có vấn đề cần được nghiên cứu để giải quyết sớm cho nhiều đô thị. Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng bàn cách xử lý các vấn đề để tạo điều kiện cho các bộ, chiến sỹ quân đội xây dựng nhà ở theo quy hoạch đô thị, vấn đề đất quân sự và xây dựng các công trình quốc phòng và đề ra các biện pháp quản lý các khu ở tập thể của quân đội v.v… để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
3. Gấp rút bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới các luật lệ và chính sách về xây dựng và quản lý đô thị, về kiến trúc và môi trường sinh thái đô thị v.v.. hình thành đồng bộ hệ thống luật pháp mới để mở rộng dân chủ, đề cao pháp luật, lập lại trật tự kỷ cương, làm cho mọi người dân đô thị sống và làm việc theo pháp luật.
Bộ Xây dựng cần nghiên cứu trình Hội đồng bộ trưởng các luật lệ và chính sách về xây dựng và quản lý đô thị.
4. Huy động mọi nguồn tài chính vào việc phát triển đô thị, xoá bỏ bao cấp tràn lan trong quản lý đô thị, nhưng phải đảm bảo các chính sách xã hội.
Ngân sách Nhà nước chỉ dành để tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật chủ yếu ở đô thị và các công trình then chốt của nền kinh tế, còn các công trình khác và nhất là nhà ở thì phải huy động vốn của người sử dụng.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Xây dựng và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước sớm trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chính sách để mau chóng tạo nguồn tài chính để phát triển đô thị như: kinh doanh nhà, thu lệ phí giao thông, phụ thu về thoát nước và vệ sinh đô thị, huy động vốn của dân vào xây dựng nhà ở, lập Ngân hàng phát triển đô thị v.v…
5. Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các đô thị trong việc quyết định sự phát triển và quản lý đô thị do mình phụ trách. Củng cố và kiện toàn bộ phận quản lý xây dựng và lực lượng trật tự, quy tắc ở các đô thị để phát hiện kịp thời các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, vi phạm vệ sinh công cộng, trật tự an toàn xã hội để xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Uỷ ban Nhân dân quận, phường có trách nhiệm quản lý việc xây dựng trên phạm vi lãnh thổ của mình, nhưng không được quyền cấp giấy phép sử dụng và cho thuê đất cũng như giấy phép xây dựng.
6. Trong năm 1991, Thủ trưởng các ngành, các cấp cần thực hiện các công việc cấp bách sau đây:
a) Các cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng.
– Bộ Xây dựng:
+ Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh nhà ở và các chính sách có liên quan như tổ chức kinh doanh nhà ở, đăng ký trước bạ, giá thuê nhà v.v… điều chỉnh giá nước máy.
+ Dự thảo Pháp lệnh quản lý xây dựng đô thị và các văn bản hướng dẫn.
+ Dự thảo quy chế về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc sư.
+ Cùng với Bộ Quốc phòng nghiên cứu các chính sách về nhà ở cho cán bộ quân đội và quản lý đất đai quân sự.
+ Cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu lập ngân hàng phát triển đô thị.
+ Tổ chức các hội nghị về vệ sinh đô thị, về quản lý và phát triển nhà ở, về đối mới công tác quy hoạch đô thị.
– Ban Tổ chức – cán bộ của Chính phủ: Dự thảo chính sách đổi mới tổ chức quản lý hành chính đô thị.
– Bộ Y tế: Phối hợp với Bộ Xây dựng và Uỷ ban Nhân dân các đô thị lớn, nhất là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình hành động cụ thể về vệ sinh và môi trường đô thị.
– Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước: Nghiên cứu trình ban hành cơ chế chính sách đầu tư, huy động vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế.
– Bộ Tài chính: nghiên cứu trình ban hành chính sách huy động vốn trong xây dựng đô thị, quy định các khoản lệ phí và phụ thu trong đô thị.
– Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện: Cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu tổ chức giao thông trong các đô thị, đặc biệt là giao thông công cộng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức hội nghị về giao thông đô thị.
– Bộ Năng lượng: Quy hoạch tổng sơ đồ và mạng lưới điện đô thị dể đến năm 1995 các đô thị từ thị xã trở lên có hệ thống điện tương đối ổn định và quy định phân cấp quản lý mạng lưới điện.
b) Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương:
Trình Hội đồng Nhân dân chương trình xây dựng và quản lý dô thị năm 1991 và ban hành quy chế quản lý xây dựng đô thị đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng tránh gây phiền hà. Tổ chức hội nghị về quản lý thị trấn.
c) Uỷ ban Nhân dân các đô thị: tiến hành rà soát và tổ chức lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các đô thị để trình duyệt, báo cáo Hội đồng Nhân dân các vấn đề cấp bách như: khôi phục công tác địa chính, chống thất thu điện, nước, đảm bảo vệ sinh môi trường… Hưởng ứng đợt vận động làm sạch đô thị toàn quốc phát động vào tháng 5 – 1991 và cuộc thi đua giữa các đô thị do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phát động.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Bộ Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện để làm cho công tác phát triển và quản lý đô thị thật sự có chuyển biến tốt, đáp ứng được yêu cầu mới trong tình hình hiện nay và trong những năm tới.
Reviews
There are no reviews yet.