BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
—————-
Số: 33/2011/TT-BKHCN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2011
|
THÔNG TƯ
Hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới
từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao
được khuyến khích phát triển
—————————-
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 07 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Công nghệ cao như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 07 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là doanh nghiệp thành lập mới).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 07 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới
1. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
2. Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi là Văn phòng Chứng nhận) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận.
Điều 4. Hồ sơ yêu cầu chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới
1.Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của doanh nghiệp thành lập mới theo Biểu B1-DNTLM ban hành kèm theo Thông tư số 32/2011/TT- BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2011của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
b)Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
c) Bản thuyết minh doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo Biểu B2-TMDNTLM ban hành kèm theo Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới được làm bằng ngôn ngữ tiếng Việt và lập thành 02 (hai) bộ hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện đến Văn phòng Chứng nhận, trong đó có 01 (một) bộ hồ sơ lưu và 01 (một) bộ hồ sơ làm các thủ tục theo quy định tại Thông tư này.
Điều 5.Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới
1. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Văn phòng Chứng nhận có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Văn phòng Chứng nhận phải có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa hồ sơ và gửi lại Văn phòng Chứng nhận. Nếu quá thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp không bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc bổ sung, hoàn thiện không đạt yêu cầu thì Văn phòng Chứng nhận có văn bản từ chối cấp Giấy chứng nhận gửi cho doanh nghiệp;
c) Trong trường hợp cần thiết, Văn phòng Chứng nhận tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ để làm rõ những vấn đề nêu trong hồ sơ đề nghị chứng nhận;
d) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ hoặc kể từ ngày hết thời hạn lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan, Văn phòng Chứng nhận có trách nhiệm tổ chức thẩm định hoặc đề nghị thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi có biên bản kết luận thẩm định, Văn phòng Chứng nhận có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
2. Mẫu Giấy chứng nhận theo Biểu B4-DNTLMban hành kèm theo Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 6. Thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới
1. Giấy chứng nhận bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận mà doanh nghiệp không hoạt động;
b) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
c) Vi phạm một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật Công nghệ cao;
d) Trong quá trình hoạt động mà doanh nghiệp không đáp ứng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao;
đ) Theo quyết định, đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận
Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể sẽ bị thu hồi, truy thu hoặc bồi hoàn những hỗ trợ, ưu đãi đã được hưởng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 7. Hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới
1. Giấy chứng nhận là căn cứ để được ưu đãi quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Công nghệ cao và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
2. Giấy chứng nhận có hiệu lực kể từ ngày cấp và có giá trị đến khi kết thúc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Điều 8. Trách nhiệm của Văn phòng Chứng nhận
Chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; làm đầu mối giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định những vấn đề vượt quá thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– Kiểm toán nhà nước;
– UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở KH&CN tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Website Chính phủ, Công báo;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Website Bộ Khoa học và Công nghệ;
– Lưu: VT, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đã ký
Nguyễn Quân
|
Reviews
There are no reviews yet.