BỘ TÀI CHÍNH
——-————— Số: 1738/QĐ-BTC
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
NGÀNH TÀI CHÍNH ĐẾN NĂM 2015”
————————-
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 – 2015;
Căn cứ Quyết định số 1648/QĐ-BTC ngày 02 tháng 7 năm 2012 ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính đến năm 2015” với các nội dung cơ bản sau đây:
I. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH TÀI CHÍNH ĐẾN NĂM 2015
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu chung:
Tạo bước chuyển biến căn bản, thực chất trong việc trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức; góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp có đủ năng lực xây dựng nền tài chính tiên tiến, hiện đại.
Đảm bảo nâng cao một bước về chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức: Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về cơ cấu ngạch công chức, viên chức với công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, với chức trách của công chức, viên chức.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
– Đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về Lý luận chính trị, về ngạch, về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và các tiêu chuẩn chuyên ngành;
– 100% cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đủ thời gian tham gia bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm (1 tuần/năm): Bình quân mỗi công chức được tham gia ít nhất 1 khóa đào tạo, bồi dưỡng trong năm.
– Xây dựng hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng khoa học, phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Thiết kế các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đa dạng và linh hoạt để công chức, viên chức lựa chọn tham gia phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm.
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015 như sau:
TT
|
Nội dung ĐTBD
|
Tổng số
|
Năm 2011
|
Năm 2012
|
Năm 2013
|
Năm 2014
|
Năm 2015
|
1
|
ĐTBD LLCT-HC
|
500
|
100
|
100
|
100
|
100
|
100
|
2
|
ĐTBĐ theo tiêu chuẩn ngạch
|
42.400
|
8.480
|
8.480
|
8.480
|
8.480
|
8.480
|
CVCC và tương đương
|
1.350
|
270
|
270
|
270
|
270
|
270
|
|
CVC và tương đương
|
11.800
|
2.360
|
2.360
|
2.360
|
2.360
|
2.360
|
|
CV và tương đương
|
23.000
|
4.600
|
4.600
|
4.600
|
4.600
|
4.600
|
|
Cán sự và tương đương, CCVC tập sự
|
6.250
|
1.250
|
1.250
|
1.250
|
1.250
|
1.250
|
|
3
|
ĐTBD theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý
|
5.675
|
1.135
|
1.135
|
1.135
|
1.135
|
1.135
|
Cấp Bộ
|
25
|
5
|
5
|
5
|
5
|
5
|
|
Cấp vụ
|
300
|
60
|
60
|
60
|
60
|
60
|
|
Cấp phòng
|
4.000
|
800
|
800
|
800
|
800
|
800
|
|
Cấp cục
|
350
|
70
|
70
|
70
|
70
|
70
|
|
Cấp chi cục
|
3.000
|
600
|
600
|
600
|
600
|
600
|
|
4
|
ĐTBD kiến thức, kỹ năng chuyên ngành
|
327.650
|
58.130
|
61.130
|
66.130
|
69.130
|
73.130
|
Các chương trình của Bộ
|
2.500
|
500
|
500
|
500
|
500
|
500
|
|
Các chương trình phân cấp cho Tổng cục
|
325.150
|
57.630
|
60.630
|
65.630
|
68.630
|
72.630
|
|
5
|
Tin học
|
15.000
|
3.000
|
3.000
|
3.000
|
3.000
|
3.000
|
6
|
Ngoại ngữ
|
25.000
|
5.000
|
5.000
|
5.000
|
5.000
|
5.000
|
Tổng cộng
|
418.225
|
76.245
|
79.245
|
84,245
|
87.245
|
91.245
|
Đơn vị tính: người
2. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng
2.1. Công chức, viên chức lãnh đạo và quy hoạch lãnh đạo ở các cấp trong toàn hệ thống.
2.2. Các công chức trực tiếp thực thi công vụ không giữ chức vụ lãnh đạo.
2.3. Viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.
2.4. Công chức, viên chức làm công tác tài chính ở các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị xã hội và cán bộ làm công tác tài chính kế toán các doanh nghiệp.
2.5. Công chức, viên chức làm công tác tài chính địa phương (tại các Sở Tài chính tỉnh, thành phố; Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, quận, thị xã và công chức tài chính – kế toán xã, phường, thị trấn).
3. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng
3.1. Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch:
– Các chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, chương trình bồi dưỡng kế toán viên chính, kế toán viên, kế toán viên cao đẳng, kế toán viên trung cấp (Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính thực hiện).
– Các chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm tra viên chính thuế, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên cao đẳng thuế, kiểm tra viên trung cấp thuế (Tổng cục Thuế thực hiện).
– Các chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm tra viên chính hải quan, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên cao đẳng hải quan, kiểm tra viên trung cấp hải quan (Tổng cục Hải quan thực hiện).
– Các chương trình bồi dưỡng kỹ thuật viên bảo quản, kỹ thuật viên bảo quản trung cấp, Thủ kho bảo quản, Nhân viên bảo vệ kho dự trữ (Tổng cục Dự trữ nhà nước thực hiện).
3.2. Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý:
Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo các cấp (cấp phòng, cấp chi cục, cấp vụ, cấp cục, cấp thứ trưởng) do Bộ Nội vụ ban hành. Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính và các Tổng cục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước để tổ chức thực hiện bồi dưỡng theo phân cấp.
3.3. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành
3.3.1. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Bộ chủ trì, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính thực hiện
a. Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuyên ngành:
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về quản lý tài chính công.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về quản lý tài chính doanh nghiệp và quản lý đầu tư.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về quản lý nợ công.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về thanh tra tài chính.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về hoạch định chính sách tài chính.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức về kế toán kiểm toán.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhân sự và đào tạo nguồn nhân lực.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng văn phòng.
b. Các chương trình bồi dưỡng có tính chất bổ trợ
Các chương trình này được xây dựng và đổi mới hàng năm. Nội dung chương trình bao quát chung các lĩnh vực hoặc chuyên sâu cho từng lĩnh vực cụ thể, đảm bảo cho công chức, căn cứ vào vị trí, tính chất công việc, có thể lựa chọn những chương trình phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm.
c. Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cập nhật kiến thức kinh tế tài chính theo vị trí việc làm.
Được xây dựng chung cho tất cả các đối tượng công chức. Hàng năm, căn cứ vào định hướng và thực tế đổi mới chính sách, chế độ trong lĩnh vực tài chính, các đơn vị trong Bộ đề xuất và biên soạn nội dung những vấn đề cần cập nhật về chính sách, chế độ để phổ biến cho cán bộ công chức trong ngành.
d. Chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác tài chính – kế toán các Bộ, ngành
– Chương trình bồi dưỡng quản lý tài chính công.
– Chương trình bồi dưỡng quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp.
e. Chương trình bồi dưỡng cán bộ công chức tài chính địa phương
Thực hiện theo Đề án Đào tạo, bồi dưỡng công chức tài chính địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 3179/QĐ-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3.3.2. Các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành do các Tổng cục thực hiện
Chương trình này nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành cơ bản và chuyên sâu thuộc các lĩnh vực, các khâu quản lý của từng Tổng cục, đồng thời thường xuyên cập nhật những thay đổi, cải tiến trong các khâu công tác nghiệp vụ bằng các chương trình tập huấn, cập nhật chính sách, chế độ, quy trình nghiệp vụ mới như: kỹ năng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; kỹ năng kiểm tra hồ sơ khai thuế; kỹ năng thanh tra thuế; Nghiệp vụ kho quỹ; nghiệp vụ kế toán kho bạc; kỹ năng kiểm soát chi qua Kho bạc nhà nước; Kỹ năng quản lý kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản; nghiệp vụ quản lý thu ngân sách nhà nước và quản lý chương trình mục tiêu; nghiệp vụ thông quan; nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan; nghiệp vụ kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại; nghiệp vụ quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế; kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán; các kiến thức chuyên sâu về chứng khoán và thị trường chứng khoán; các kiến thức về phân tích và đầu tư chứng khoán; nghiệp vụ giám sát thị trường chứng khoán; nghiệp vụ bảo quản hàng hóa, vật tư thiết bị dự trữ;…
4. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức
4.1. Đào tạo bồi dưỡng ở trong nước
Các phương thức đào tạo, bồi dưỡng trong nước bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng tập trung, bán tập trung và đào tạo, bồi dưỡng từ xa. Tùy theo tính chất, đặc điểm của từng loại chương trình đào tạo, bồi dưỡng và từng đối tượng để áp dụng phương thức thích hợp. Từng bước áp dụng phương pháp đào tạo, bồi dưỡng qua mạng Internet để tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.
4.2. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài
– Cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng thông qua học bổng, nguồn tài trợ của các Dự án, Đề án của Nhà nước;
– Liên hệ với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín ở nước ngoài để đặt hàng nội dung và tổ chức khóa học, sử dụng phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được phân bổ cho Bộ.
– Hợp tác giữa tổ chức, đơn vị của Bộ Tài chính với các tổ chức, đơn vị tại nước ngoài để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo trong và ngoài nước.
– Cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng thông qua các học bổng của các Chính phủ, tổ chức phi chính phủ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đài thọ;
4.3. Các phương thức đào tạo, bồi dưỡng khác
– Tự học tập bồi dưỡng.
– Đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ theo cách người đi trước hướng dẫn cho người đi sau, người có chuyên môn cao hướng dẫn kèm cho người có chuyên môn chưa cao, công chức, viên chức công tác lâu năm kèm cặp giúp đỡ cho công chức, viên chức mới vào nghề, coi đây là phương thức đào tạo, bồi dưỡng quan trọng, được đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị.
– Tổ chức các Hội thảo chuyên đề: chủ đề hội thảo bao hàm tất cả các vấn đề từ lý thuyết đến trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, từ kiến thức tổng hợp đến các kỹ năng, thao tác nghiệp vụ chuyên sâu.
5. Nhu cầu kinh phí thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án
Để thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong giai đoạn 2011-2015, ước tính tổng nhu cầu kinh phí thường xuyên để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng là 670 tỷ đồng. Kinh phí trung bình mỗi năm khoảng 134 tỷ cho toàn hệ thống.
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Hoàn thiện các văn bản pháp lý về đào tạo, bồi dưỡng
Bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa và hướng dẫn thêm những nội dung sau:
– Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Bộ và các đơn vị trực thuộc;
– Các quy định cụ thể về quy trình xây dựng và thẩm định chương trình, biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng; quy định về quản lý và cấp chứng chỉ, chứng nhận…
– Tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
– Tiêu chuẩn, khung năng lực và chế độ chính sách đối với giảng viên làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
2. Đổi mới việc xây dựng nội dung chương trình, biên soạn tài liệu
– Đổi mới việc biên soạn nội dung tài liệu đào tạo, bồi dưỡng các ngạch căn cứ vào nhiệm vụ của công chức trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm. Tài liệu phải đảm bảo kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và kinh nghiệm thực tế, giữa kiến thức và kỹ năng.
– Tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý tập trung vào việc trang bị kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của ngành.
– Tổ chức biên soạn tài liệu cập nhật kiến thức kinh tế tài chính hàng năm và tài liệu bồi dưỡng theo vị trí việc làm.
– Xây dựng một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tài chính theo chuẩn quốc tế. Mỗi chương trình cần phải xác định rõ kết quả đầu ra sau đào tạo, những kiến thức mà người học sẽ thu nhận được và đây sẽ là thước đo cho kết quả mỗi khoá đào tạo.
– Các chương trình đều phải yêu cầu sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực bằng các kỹ thuật mới như thảo luận nhóm, đóng vai, thuyết trình, bài tập tình huống… nhằm nâng cao chất lượng khóa học.
3. Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức đủ năng lực
– Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu hợp lý cho từng chuyên ngành và môn học, chuyên đề cụ thể gắn với đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu công việc của ngành Tài chính và của xã hội; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ hữu theo hướng chuyên nghiệp đạt trình độ chuyên môn cao.
– Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, phù hợp với từng đối tượng học; Tạo ra môi trường tương tác cao nhằm phát triển năng lực sáng tạo của đội ngũ công chức.
– Tăng cường các hoạt động chuyên môn đối với giảng viên cơ hữu, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức: đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo của giảng viên, coi hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giảng viên.
Phấn đấu đến 2015 cơ cấu giảng viên cơ hữu chiếm tỷ lệ 15 – 20% tổng số cán bộ công chức của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, trong đó, số giảng viên cơ hữu đạt trình độ tiến sỹ 30%, thạc sỹ 40%.
– Xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp giảng dạy tốt, ổn định. Xây dựng chính sách và cơ chế đối với giảng viên kiêm chức để sử dụng năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong ngành Tài chính.
– Đổi mới phương thức và quy trình làm việc của giảng viên kiêm chức, có chế độ bắt buộc đối với các giảng viên kiêm chức của Bộ tham gia vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo số giờ tối thiểu và lịch giảng dạy ổn định cho giảng viên kiêm chức bên cạnh chế độ khuyến khích vật chất và tinh thần.
4. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có yếu tố nước ngoài, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn mực quốc tế.
– Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có yếu tố nước ngoài mang tính chủ động, xuất phát từ nghiên cứu thực tiễn nhu cầu của học viên về kiến thức, kỹ năng và các khu vực, các tổ chức đào tạo có khả năng đáp ứng được nhu cầu. Tiếp nhận và chuyển giao dần công nghệ đào tạo của nước ngoài vào các cơ sở bồi dưỡng của Bộ.
– Tổ chức các khóa đào tạo ở nước ngoài với thời lượng và số lượng cán bộ phù hợp, chuyển dần sang mức độ không cần phiên dịch để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho công chức, đồng thời tiết kiệm chi phí phiên dịch.
– Chuẩn bị điều kiện để Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đảm nhiệm chức năng của Trung tâm bồi dưỡng cán bộ quốc tế của Bộ Tài chính để đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho khu vực (đăng cai tổ chức những chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam, đào tạo, bồi dưỡng cho Lào…).
5. Đổi mới công tác tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
– Đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các quy chế đào tạo, bồi dưỡng và quản lý học viên cho phù hợp với điều kiện mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.
– Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng với số lượng học viên hợp lý theo từng loại hình cụ thể, giảm dần số lượng học viên mỗi lớp.
– Thường xuyên thăm dò ý kiến của học viên để nắm bắt nhu cầu, điều chỉnh nội dung, chương trình, giảng viên và công tác tổ chức lớp cho phù hợp nhu cầu học viên.
– Sau khi kết thúc mỗi khóa bồi dưỡng ngắn ngày cần tổ chức viết thu hoạch, đánh giá nhận thức của học viên và cấp giấy chứng nhận để tạo nên sự phấn đấu, nỗ lực của học viên tham dự các khoá học.
– Đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong điều kiện mới, tiến tới hình thành Học viện cán bộ quản lý Tài chính.
6. Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
– Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Hưng Yên và Thành phố Hồ Chí Minh, phấn đấu đến năm 2015 đưa vào sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, hiện đại.
– Tăng cường sử dụng và tận dụng công năng của Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài chính tại Thừa Thiên – Huế, với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2012.
– Trong ngắn hạn, tăng cường trang bị các phương tiện cần thiết, hiện đại và đồng bộ tại Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính và các cơ sở bồi dưỡng của các Tổng cục để phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng khu vực Hà Nội và cơ quan Bộ.
– Tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và quản lý tài chính đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm: Tăng cường và đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, nhiệm vụ và tài chính của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nhiệm vụ của các đơn vị trong việc thực hiện Đề án
1.1. Vụ Tổ chức cán bộ
– Chủ trì, triển khai Đề án; hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.
– Xây dựng và hướng dẫn xây dựng, thực hiện các quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng.
– Tổng hợp báo cáo hàng năm và báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Đề án.
– Chịu trách nhiệm điều phối chung việc xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tài chính.
– Tổ chức thẩm định chương trình, tài liệu theo phân cấp.
1.2. Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính
– Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm theo các nội dung, chương trình của Đề án;
– Chủ trì xây dựng, biên soạn nội dung chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng do Trường thực hiện;
– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, chứng nhận các chương trình được phân cấp;
– Báo cáo Bộ hàng năm, tổng kết 05 năm thực hiện Đề án và các báo cáo khác;
– Quản lý kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo chế độ quy định.
1.3. Các đơn vị tổng cục: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
– Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm theo các nội dung, chương trình của Đề án;
– Chủ trì xây dựng nội dung chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng do các đơn vị Tổng cục thực hiện;
– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, chứng nhận các chương trình được phân cấp;
– Xây dựng cơ sở vật chất, quản lý hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đã đề ra.
– Báo cáo Bộ hàng năm, tổng kết 05 năm thực hiện Đề án và các báo cáo khác.
– Quản lý kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo chế độ quy định.
1.4. Cục Tin học và Thống kê Tài chính:
Xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về tin học cho công chức viên chức cơ quan Bộ và các hệ thống.
Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính để lựa chọn đối tượng và tổ chức các khóa bồi dưỡng.
1.5. Vụ Kế hoạch – Tài chính
– Phân bổ kinh phí cho các đơn vị để tổ chức, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch;
– Hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đúng mục đích, đúng chế độ quy định.
– Tham mưu cho Bộ chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
1.6. Các đơn vị khác thuộc và trực thuộc Bộ
– Cử công chức, viên chức đúng đối tượng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng;
– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bằng các hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của đơn vị mình.
– Theo dõi, tạo điều kiện cho công chức, viên chức của đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đủ thời gian theo quy định (40 giờ/năm).
2. Tiến độ thực hiện Đề án
– Năm 2011 và năm 2012: Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện có theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng 2011 và 2012.
– Từ quý II năm 2012:
Triển khai đào tạo, bồi dưỡng các chương trình do Bộ Nội vụ quản lý. Vụ Tổ chức cán bộ, trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, các đơn vị Tổng cục phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng chương trình, biên soạn và tổ chức thẩm định tài liệu theo quy định.
Triển khai xây dựng các chương trình, biên soạn, thẩm định và ban hành các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Hoàn thiện và bổ sung các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm.
Ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành tài chính. Tiếp tục xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng.
Rà soát và đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ và các đơn vị tổng cục.
– Quý III hàng năm: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của từng khối đơn vị cho năm sau trên cơ sở cụ thể hóa các chỉ tiêu trong Đề án.
– Từ quý III năm 2012: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình đã xây dựng. Tiếp tục cập nhật và bổ sung các chương trình mới.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
– Lãnh đạo Bộ (để b/c); – Các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ; – Lưu: VT, TCCB. |
BỘ TRƯỞNG
Vương Đình Huệ |
Reviews
There are no reviews yet.