BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ ——- Số: 3571/TCT-TNCN
V/v: Chính sách thuế đối với cá nhân kinh doanh
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2016
|
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bắc Giang
Trả lời công văn số 521/CT-THNVDT ngày 26/02/2016 của Cục thuế tỉnh Bắc Giang về hướng dẫn chính sách đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
– Tại Điều 7, Luật số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 Luật quản lý thuế của Quốc hội quy định:
“1. Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
…”
– Tại Điều 22, Luật số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 Luật quản lý thuế của Quốc hội quy định:
“Điều 22. Thời hạn đăng kýthuế
Đối tượng đăng ký thuế phải đăng ký thuế trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày:
1. Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư;
2. Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ gia đình, cá nhân thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
…”
– Tại Điều 38, Luật số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 Luật quản lý thuế của Quốc hội quy định:
“1. Cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với các trường hợp sau đây:
b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế.
2. Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán.
3. Mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch và phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp có thay đổi ngành, nghề, quy mô kinh doanh, người nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế để điều chỉnh mức thuế khoán.
…”
– Tại khoản 7, Điều 2 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định:
“7. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
…
3. Xác định doanh thu tính thuế từ kinh doanh:
a) Doanh thu tính thuế đối với cá nhân kinh doanh là mức doanh thu khoán được ổn định trong 01 năm. Trường hợp qua số liệu điều tra xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu tính thuế thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu khoán, cơ quan thuế xác định lại mức doanh thu khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế
b) Doanh thu tính thuế đối với cá nhân kinh doanh được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát, kết quả kiểm tra, thanh tra về cá nhân kinh doanh và các khoản mục chi phí thực tế để tạo ra doanh thu của cá nhân kinh doanh.”
– Tại khoản 4, Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“4. Xác định doanh thu và mức thuế khoán
a) Doanh thu tính thuế khoán đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu được ổn định trong một năm.
b) …Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
c) Cá nhân nộp thuế khoán trong năm có thay đổi về hoạt động kinh doanh (ngành nghề, quy mô, địa điểm, …) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung để cơ quan thuế có cơ sở xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác về cá nhân kinh doanh cho thời gian còn lại của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh không thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán. Trường hợp có thay đổi ngành nghề kinh doanh thì thực hiện điều chỉnh bổ sung theo thực tế của ngành nghề kinh doanh thay đổi.”
Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp qua số liệu điều tra xác minh của cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan thuế xác định được thực tế Bà Phương đã có hoạt động kinh doanh từ năm 2014 nhưng Bà Phương chưa thực hiện thủ tục khai thuế theo quy định và cơ quan thuế chưa quản lý thu thuế của năm 2014 thì Cục thuế tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải thực hiện ấn định lại số thuế phải nộp của năm 2014 và xử phạt vi phạm theo quy định. Riêng đối với năm 2015 và 2016, do cơ quan thuế đã ấn định thuế thì việc điều chỉnh doanh thu khoán được thực hiện như sau:
– Nếu trong năm 2015, năm 2016 Bà Phương có thay đổi về ngành nghề kinh doanh so với ngành nghề đã được cơ quan thuế khoán thuế thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại doanh thu và mức thuế suất phù hợp với ngành nghề thực tế.
– Nếu trong năm 2015, năm 2016 Bà Phương không có thay đổi về ngành nghề kinh doanh so với ngành nghề đã được cơ quan thuế khoán thuế thì cơ quan thuế chỉ điều chỉnh doanh thu khoán khoán khi xác định doanh thu tính thuế thay đổi từ 50% trở lên. Việc điều chỉnh doanh thu khoán chỉ thực hiện đối với thời gian còn lại, do đó, cơ quan thuế chỉ điều chỉnh trong thời gian còn lại kể từ thời điểm phát hiện.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế được biết./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Vụ PC; – Vụ Thanh tra; – Website TCT; – Lưu: VT, TNCN(2). |
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ THUẾ TNCN PHÓ VỤ TRƯỞNG Tạ Thị Phương Lan |
Reviews
There are no reviews yet.