THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
———- Số: 1439/QĐ-TTg
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2035 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
———-
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi lập quy hoạch
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch: Phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên 6.509,27 km2. Gồm 08 đơn vị hành chính: 01 thị xã và 7 huyện. Được xác định như sau:
– Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk;
– Phía Đông giáp tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Lâm Đồng;
– Phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và tỉnh Munđunkiri của Vương quốc Campuchia;
– Phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Phước.
2. Mục tiêu
– Cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch chiến lược cấp quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Nông từ đó đưa ra những dự báo và định hướng chiến lược nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh và những đặc thù của tỉnh.
– Khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, các thế mạnh về nông lâm nghiệp, công nghiệp dịch vụ kinh tế cửa khẩu, năng lượng, khoáng sản, du lịch, văn hóa sinh thái và cảnh quan nhằm tạo lập môi trường sống tốt, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn.
– Nghiên cứu đề xuất quy hoạch tổ chức không gian đô thị, phát triển dân cư, xây dựng mô hình phát triển không gian vùng tỉnh, hình thành hệ thống đô thị, phân loại, phân cấp đô thị, xác định tính chất đô thị, cải tạo, xây mới, nâng cấp… lựa chọn mô hình phát triển. Đề xuất phân bố không gian xây dựng công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội và các điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch… trong đó xác định vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững.
– Tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị và nông thôn trong tỉnh, xây dựng các chương trình kế hoạch và hoạch định các chính sách phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực.
3. Tính chất
– Là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng.
– Là một trong những trung tâm kinh tế – xã hội của vùng Tây Nguyên, một cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam – Lào – Campuchia), có vị thế trên trường quốc tế.
– Là vùng trung tâm công nghệ khai thác chế biến bô xít – nhôm của Việt Nam.
– Là vùng nguyên liệu cây công nghiệp bền vững với các sản phẩm chủ lực có thương hiệu toàn cầu như cafê, cao su…
– Là vùng có môi trường tự nhiên, văn hóa, lịch sử… được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làm nền tảng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, là một phần quan trọng của vùng Tây Nguyên.
– Là đầu mối giao thông có vị trí thuận lợi về giao thương với vùng Nam Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển với các khu vực khác của quốc gia và quốc tế gắn với hệ thống trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ (tài chính, du lịch, trung chuyển hàng hóa…) cấp quốc gia.
4. Một số chỉ tiêu cơ bản
a) Về dân số:
– Đến năm 2025: Dân số toàn tỉnh khoảng 775 – 780 nghìn người. Dân số thành thị khoảng 270 – 275 nghìn người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 34,8 – 35,3%.
– Đến năm 2035: Dân số toàn tỉnh khoảng 925 – 930 nghìn người. Dân số thành thị khoảng 415 – 420 nghìn người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 44,9 – 45,2%.
b) Về đất xây dựng đô thị:
– Đến năm 2025 khoảng 6.750 – 8.250 ha.
– Đến năm 2035 khoảng 8.300 – 10.500 ha.
5. Yêu cầu nghiên cứu
a) Mối quan hệ vùng:
– Xác định vị thế và vai trò trong mối quan hệ liên vùng:
+ Đăk Nông trong vùng Tây Nguyên.
+ Đắk Nông trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
+ Đắk Nông với vùng duyên hải Nam Trung bộ.
+ Đắk Nông gắn với vùng thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ.
+ Đắk Nông trong quá trình phát triển của quốc gia.
+ Đắk Nông trong quá trình hội nhập quốc tế.
– Xác định tầm nhìn phát triển vùng đến năm 2035 và tầm nhìn phát triển của tỉnh Đắk Nông đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với các yêu cầu sau:
+ Xây dựng Đắk Nông trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội của vùng Tây Nguyên. Là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
+ Đảm bảo khả năng huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
+ Đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ cân bằng sinh thái.
+ Đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
b) Đánh giá hiện trạng
– Về điều kiện tự nhiên, môi trường: Đánh giá đặc điểm tự nhiên (về địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy hải văn, thủy lợi, địa chất công trình, địa chấn, tài nguyên…) của vùng núi, gò đồi, hồ chứa… Đánh giá ảnh hưởng tiêu cực, tích cực của điều kiện tự nhiên tới các khu vực dự kiến xây dựng hệ thống đô thị và các khu chức năng động lực phát triển vùng tỉnh. Đánh giá các tai biến thiên nhiên (nếu có), vấn đề biến đổi khí hậu liên quan đến chiến lược phát triển đô thị.
– Đánh giá thực trạng và nguồn lực phát triển vùng: Hiện trạng kinh tế – xã hội, các biến động dân số, lao động, tăng trưởng đô thị hóa, đất xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Hiện trạng phân bố hệ thống các đô thị, tính chất, chức năng, quy mô, tỷ lệ đô thị hóa, động lực phát triển, thực trạng quản lý đô thị. Mối liên kết đô thị – nông thôn. Hiện trạng mạng lưới hạ tầng kinh tế, xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng.
– Đánh giá công tác quản lý thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Đắk Nông, đánh giá các quy hoạch chuyên ngành về đô thị, nông thôn, hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
c) Dự báo quy mô dân số và đất đai, phân vùng phát triển không gian, các cơ sở động lực kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn. Xác lập tiền đề phát triển hệ thống đô thị – nông thôn, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vùng tỉnh.
d) Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh
– Xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông.
– Đề xuất khung phát triển vùng, phân bố các vùng kinh tế động lực, như: Vùng đô thị hóa, vùng công nghiệp, vùng du lịch, vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp chủ đạo, các trục kinh tế – đô thị chủ đạo, đô thị trung tâm cấp vùng và tiểu vùng, các đô thị chuyên ngành,… phải đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh về điều kiện tự nhiên và hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật chính; đảm bảo mối liên kết đô thị – nông thôn. Nghiên cứu, đề xuất các khu chức năng đặc thù về công nghiệp, du lịch, vùng sinh thái nông nghiệp (nông trường, lâm trường…), vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên (bảo vệ rừng đầu nguồn, hồ, đập…) đáp ứng với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Đề xuất tổ chức không gian hệ thống đô thị, danh mục các đô thị nâng cấp mở rộng, đô thị xây mới, phân cấp loại đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, tính chất, chức năng và quy mô các đô thị. Xác định vai trò và các nguyên tắc phát triển đô thị Gia Nghĩa, là tỉnh lỵ tỉnh Đắk Nông, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại du lịch, văn hóa – xã hội và trung tâm khoa học chuyển giao công nghệ của tỉnh Đắk Nông.
– Xây dựng đô thị Gia Nghĩa trở thành đô thị có vai trò thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Nông, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và là đô thị quan trọng trong vùng Tây Nguyên và của Việt Nam (trung tâm công nghiệp bô xít), có sức hút và tác động rộng lớn đối với các tỉnh xung quanh và quốc tế.
– Khu dân cư nông thôn: Xác định mô hình cấu trúc cư trú nông thôn gắn với các vùng sản xuất theo hướng tập trung áp dụng công nghệ cao,… Tạo lập động lực phát triển một số khu dân cư nông thôn tập trung theo hướng hình thành đô thị loại V; kết nối với các đô thị đã có, hệ thống hạ tầng vùng tỉnh, các khu vực công nghiệp, du lịch, thương mại tập trung.
đ) Định hướng phát triển mạng lưới hạ tầng kinh tế – xã hội vùng: Định hướng phân bố và xác định quy mô các trung tâm đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục thể thao mang ý nghĩa vùng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ cấp vùng; khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và các di tích văn hóa – lịch sử có giá trị.
e) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng: Định hướng khung kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình đầu mối kỹ thuật cấp vùng, nối kết tỉnh Đắk Nông với các vùng lân cận và đáp ứng yêu cầu phát triển nội vùng tỉnh.
– Về giao thông: Xác định khung giao thông, các công trình đầu mối giao thông toàn vùng tỉnh, nối kết giữa các đô thị và các khu vực đầu tư trọng điểm trong tỉnh, nối kết vùng với đầu mối giao thông quốc gia (sân bay, đường sắt…), Đề xuất quy mô và tuyến các trục hành lang giao thông quốc tế, quốc gia, giao thông nội tỉnh để tăng hiệu quả khai thác các quỹ đất mới tại các vùng huyện, kết nối khu công nghiệp với các trung tâm đô thị của tỉnh.
– Đề xuất phát triển hệ thống giao thông gắn kết Vùng với các vùng lân cận, vùng quốc gia, quốc tế đồng thời các giải pháp kết nối nội vùng phù hợp với mô hình phát triển.
– Phân tích mô hình phát triển và xác định các hành lang giao thông quan trọng; tổ chức mạng lưới và xác định quy mô các tuyến giao thông, bến xe khách, bãi đỗ xe chính; đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và hành lang bảo vệ các công trình giao thông bao gồm đường bộ, đường không, đường sắt.
– Về chuẩn bị kỹ thuật: Xác định các giải pháp khai thác quỹ đất thuận lợi xây dựng và cảnh báo khai thác quỹ đất các vùng địa chất tự nhiên (vùng ngập lụt, lũ quét, nứt, trượt đất,…). Giải pháp tạo quỹ đất xây dựng các vùng đô thị hóa, công nghiệp tập trung; các giải pháp chống ngập lụt, tai biến địa chất,… kết hợp với hệ thống thủy lợi, tiêu thoát lũ của vùng.
– Về cấp nước: Dự báo tổng hợp nhu cầu cấp nước toàn vùng, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ thương mại. Rà soát các dự án hồ cấp nước trên địa bàn, đề xuất giải pháp cấp nước theo hệ thống diện rộng trên toàn tỉnh và cho các phân vùng, xem xét đến một số khu vực xây dựng tập trung lớn. Đề xuất giải pháp chính để bảo vệ các nguồn nước và các công trình đầu mối, đặc biệt là các hệ thống hồ cấp nước.
– Về cấp điện: Xác định nhu cầu sử dụng điện toàn vùng, đề xuất giải pháp bố trí các công trình đầu mối cấp điện, mạng lưới các tuyến điện cao thế; nghiên cứu đề xuất các nguồn cấp năng lượng tự nhiên khác (thủy điện,…).
– Thoát nước thải: Xác định tổng quy mô nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất công nghiệp, đề xuất các công trình đầu mối thu gom xử lý.
– Quản lý chất thải rắn: Dự báo tổng quy mô khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế; đề xuất các địa điểm, quy mô công trình đầu mối xử lý chất thải rắn.
– Nghĩa trang: Xác định quy mô, địa điểm nghĩa trang đến cấp tiểu vùng, đề xuất các hình thức an táng không ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với văn hóa địa phương.
– Đánh giá môi trường chiến lược vùng: Khoanh vùng và đề xuất các giải pháp bảo vệ rừng bảo tồn, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan,… Dự báo và đề xuất giải pháp đối với các tác động đô thị hóa, đặc biệt là các vùng có nguy cơ gây ra ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp tập trung, khu bệnh viện, khu xử lý nước thải, xử lý rác, nghĩa trang tập trung; các vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,… Đề xuất các nguyên tắc xây dựng không gian tỉnh Đắk Nông ứng phó với biến đổi khí hậu.
g) Các chương trình và dự án chiến lược: Xác định chương trình thực hiện mục tiêu phát triển đô thị – nông thôn tỉnh Đắk Nông trong các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Danh mục các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng; phân kỳ đầu tư hợp lý để làm cơ sở quản lý vùng. Đề xuất các giải pháp về nguồn lực thực hiện các dự án.
h) Các yêu cầu về quản lý xây dựng vùng: Đề xuất các yêu cầu quản lý quy hoạch và xây dựng hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn nhằm bảo vệ vùng cảnh quan tự nhiên, vùng nông lâm ngư nghiệp, sử dụng tiết kiệm và khai thác có hiệu quả quỹ đất, tạo lập không gian đô thị hóa mới cho tỉnh Đắk Nông.
6. Hồ sơ sản phẩm: Theo Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
– Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;
– Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng;
– Cơ quan tổ chức lập quy hoạch và trình duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông;
– Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch; lựa chọn đơn vị tư vấn, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Nông theo quy định.
– Thời gian lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng không quá 15 tháng kể từ khi nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; – Ủy ban Dân tộc; – Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, NC, V.III; – Lưu: VT, KTN (3b).KN |
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng |
Reviews
There are no reviews yet.