BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
——————-
Số: 1119/TB-BGDĐT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————
Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2012
|
THÔNG BÁO
Kết quả tổ chức hội thảo khoa học quốc gia
về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam
————————–
Trong hai ngày 18 và 19/8/2012, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam.
Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GDĐT, GS.VS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuyên viên: Văn phòng Bộ, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Học viện quản lý giáo dục, Nhà xuất bản giáo dục, Chương trình phát triển Giáo dục Trung học, Dự án phát triển giáo viên THPT&TCCN, Bộ phận thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2105; đại diện Ban chấp hành Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học,Viện lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng bộ môn Lịch sử Bộ GDĐT; đại diện lãnh đạo, cán bộ liên quan thuộc một số trường ĐHSP, khoa Lịch sử trường đại học KHXH&NV; chuyên viên, giáo viên Lịch sử các cấp học của 63 Sở GDĐT; đại diện một số cơ quan báo chí, truyền hình trung ương, địa phương.
Hội thảo đã tập hợp được 99 báo cáo gồm phát biểu khai mạc của lãnh đạo Bộ GDĐT, báo cáo đề dẫn và các báo cáo tham luận của các đơn vị, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên. Các báo cáo đã được in thành Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam. Nội dung kỷ yếu đề cập đến những vấn đề về chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử; thực trạng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn lịch sử; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn lịch sử ở các khoa, trường sư phạm.
Hội thảo đã thành lập 03 tiểu ban: Tiểu ban Chương trình, sách giáo khoamôn lịch sử, tiểu ban Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giámôn Lịch sử và tiểu banCông tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên lịch sử.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe và thảo luận chung về các báo cáo của đại diện Lãnh đạo Bộ GDĐT, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng bộ môn lịch sử về đánh giá chương trình, sách giáo khoa lịch sử, nâng cao chất lượng dạy học lịch sử hiện nay; định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và đào tạo giáo viên; định hướng dạy học lịch sử trong nhà trường phổ thông sau năm 2015. Các tiểu ban đã thảo luận riêng một cách tích cực, hiệu quả theo các nhiệm vụ được phân công.
Sau khi tổng hợp các ý kiến thảo luận của các tiểu ban, các ý kiến thảo luận chung và tổng kết hội thảo, Bộ GDĐT thông báo kết quảthảo luận các nội dung hội thảo như sau:
I. Đánh giá về chương trình, sách giáo khoa; phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
1. Những kết quả đạt được
1.1. Về chương trình, sách giáo khoa lịch sử hiện hành
Chương trình đã chú ý giáo dục toàn diện kiến thức, kỹ năng, thái độ, xử lý mối quan hệ giữa kiến thức lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kỹ năng làm cơ sở để biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên và các tài liệu tham khảo để dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Những thành tựu của khoa học lịch sử, của khoa học giáo dục đã được thể hiện vào nội dung giáo dục bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, phù hợp với các đối tượng học sinh ở các vùng, miền.
Nhìn chung, sách giáo khoa môn lịch sử đã bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình môn Lịch sử; bảo đảm tính chính xác, khoa học và cập nhật. Mức độ nội dung trọng tâm của lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại được đưa vào trong sách giáo khoa về cơ bản phù hợp với trình độ của học sinh. Sách giáo khoa đã tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa đã tiến hành rà soát, tinh giảm nội dung sách giáo khoa môn lịch sử, một số sở GDĐT đã biên soạn tài liệu và chỉ đạo dạy học về lịch sử địa phương.
1.2. Về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn lịch sử ở trường phổ thông hiện nay
Đa số thầy cô giáo đã có nhiều cố gắng trong cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao tính hấp dẫn của môn học, góp phần nâng cao dần chất lượng môn học. Nhiều giáo viên đã sáng tạo các hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, truyền cho học sinh những cảm hứng trong giờ học. Các địa phương đã tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức khai thác kênh hình, bổ sung thêm nguồn tư liệu dạy học, tổ chức hội giảng, các kỳ thi giáo viên giỏi… Những hoạt động chuyên môn đó ít nhiều đã đạt hiệu quả tốt. Nhiều giờ học lịch sử đã diễn ra sinh động, hấp dẫn hơn, học sinh tích cực làm việc, không khí học tập của học sinh sôi nổi, hứng thú hơn. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử đã có chuyển biến tích cực.
1.3. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông
Số lượng các trường sư phạm, các khoa đào tạo giáo viên lịch sử tăng lên nhanh chóng nên đã khắc phục sự thiếu hụt về giáo viên, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Về chất lượng, trong số các cử nhân lịch sử ra trường mỗi năm, có một lực lượng đáng kể trở thành nguồn lao động tri thức được đào tạo bài bản, có kiến thức cơ bản vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp giáo dục. Một bộ phận được đào tạo ở bậc sau đại học, có trình độ cao, là hạt nhân của các trường đại học sư phạm hay cao đẳng sư phạm, một số được tuyển dụng vào các cơ sở nghiên cứu khoa học lịch sử hoặc khoa học giáo dục.
2. Hạn chế cần khắc phục
2.1. Nội dung những phần đồng tâm củachương trình chưa thể hiện rõ về mức độ khác nhau, yêu cầu cần đạt giữa các cấp, lớp khác nhau. Cấu trúc chương trình chưa thật cân đối giữa nội dung giáo dục của các cấp học; giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; giữa các nội dung về chính trị với kinh tế, xã hội, văn hóa; giữa lịch sử cổ trung với lịch sử hiện đại…
Nội dung sách giáo khoa nặng về lịch sử chiến tranh chống xâm lược, nội dung về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa được lặp lại ở các cấp học. Nhiều thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử chưa được cập nhật. Một số bài trong sách giáo khoa, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam còn “nặng’’, mang tính hàn lâm, dung lượng bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Cách trình bày của sách giáo khoa còn ít kênh hình, tư liệu lịch sử…
2.2. Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn lịch sử chậm đổi mới, chưa thực sự chuyển biến trong ý thức của từng giáo viên và cán bộ quản lý. Đổi mới phương pháp dạy học chủ yếu diễn ra trong các kỳ thi, hội giảng, dự giờ hoặc những đợt kiểm tra, thanh tra của các cấp quản lí. Chưa có nhiều biện pháp để phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Một bộ phận giáo viên chưa chú trọng rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy độc lập. Việc kiểm tra, đánh giá vẫn yêu cầu học thuộc lòng nhiều hơn là các mức độ hiểu, vận dụng và các kỹ năng phân tích, tổng hợp, rút ra nhận xét, kết luận và các kĩ năng thực hành khác, chưa có tác dụng hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.
2.3. Một bộ phận giáo viên môn lịch sử ở trường phổ thông còn hạn chế về năng lực chuyên môn. Mô hình đào tạo giáo viên sư phạm nói chung, giáo viên dạy lịch sử nói riêng vẫn còn chậm chuyển đổi sang hệ thống đào tạo mở, đào tạo theo tín chỉ, ít hội nhập quốc tế.Phương pháp đào tạo vẫn lạc hậu, phương pháp dạy học của một bộ phận không nhỏ giảng viên các trường đại học, cao đẳng chủ yếu vẫn là thuyết trình nên không phát huy được tính tích cực của sinh viên.
Nguyên nhân của những hạn chế:
Tư duy về giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; xã hội chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn lịch sử, vẫn còn tư tưởng coi trọng các môn tự nhiên, xem nhẹ các môn xã hội, trong đó có môn lịch sử; chế độ, chính sách chưa thực sự tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; khoa học giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới và phát triển, còn nhiều bất cập; các trường, khoa sư phạm chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức.
II. Khuyến nghị của hội thảo về định hướng và giải pháp đổi mới dạy học lịch sử
1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của dạy học lịch sử ở trường phổ thông
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn lịch sửở trường phổ thông là vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay. Dạy học lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn có ưu thế trong việcgiáo dục lòng yêu nước, trân trọng giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, giáo dục nhân cách, tư duy độc lập sáng tạo cho học sinh. Đối với Việt Nam, lịch sử càng giữ vai trò quan trọng, gắn liền với sự phát triển và tồn vong của quốc gia – dân tộc. Việc dạy học lịch sử cần quán triệt các mục tiêu này đối với tất cả học sinh phổ thông, mặt khác phải đóng góp nhiều định hướng ngành nghề của học sinh sau giáo dục phổ thông. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, sẽ có một số học sinh thực sự yêu mến và có năng lực tiếp tục học các chuyên ngành lịch sử để trở thành những tài năng trẻ về sử học.
2. Về xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học lịch sử ở trường phổ thông sau năm 2015
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử phải tuân theo các nguyên tắc: Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng; đảm bảo kế thừa những thành tựu của Việt Nam và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo tính thống nhất toàn quốc, linh hoạt vùng miền, phù hợp với đối tượng và tính khả thi của chương trình, sách giáo khoa; đảm bảo tính thống nhất giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và phương thức đánh giá kết quả học tập.
Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử từ sau năm 2015 theo các định hướng cơ bản: Phát triển năng lực người học; đảm bảo tính hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp; cấu trúc, nội dung chương trình và sách giáo khoa đảm bảo tính chỉnh thể, linh hoạt, thống nhất (nên cấu trúc chương trình theo hướng kết hợp giữa “đồng tâm” với “đường thẳng”, ở Tiểu học và THCS cần thực hiện tốt hơn phương châm dạy học tích hợp, góp phần giảm số lượng môn học ở 2 cấp này; ở THPT cần thực hiện tốt hơn phương châm dạy học phân hóa bằng cách có thêm nhiều nội dung dạy học tự chọn; nội dung giáo dục cần mang tính chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (nên cân đối để bảo đảm hài hòa giữa lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc trong từng cấp học; giảm nội dung chính trị, chiến tranh, bổ sung lịch sử văn minh thế giới, các nội dung về văn hóa dân tộc, về kinh tế; cập nhật những thành tựu nghiên cứu của khoa học lịch sử; gắn nội dung bài học lịch sử với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia).
3. Về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học lịch sử tại các trường phổ thông
Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử theo hướng kết hợp hợp lí các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại để tạo hứng thú học tập cho HS; chú trọng rèn luyện năng tự học với sách giáo khoa và các tư liệu lịch sử khác, nghe giảng – tự ghi chép, ghi nhớ, hiểu, vận dụng kiến thức lịch sử và trình bày các vấn đề lịch sử; đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường khai thác các tư liệu bảo tàng, tổ chức dạy học lịch sử tại bảo tàng, nhà truyền thống, từng bước thực hiện giáo dục di sản và dạy học theo dự án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong dạy học lịch sử.
Hoạt động kiểm tra, đánh giá phải có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, đề kiểm tra, thi theo hướng mở; kết hợp giữa hình thức ra đề tự luận và trắc nghiệm khách quan; triển khai nội dung đào tạo trong các khoa sư phạm và bồi dưỡng giáo viên phổ thông về kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học (đánh giá trên lớp), kết hợp đánh giá trên lớp và đánh giá đầu ra; kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh.
4. Về nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên lịch sử tại các trường, khoa sư phạm
Tiến hành quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng giáo viên lịch sử; nghiên cứu đánh giá để điều chỉnh nâng cao hiệu quả các mô hình khác nhau đào tạo giáo viên lịch sử của các trường sư phạm, khoa sư phạm;xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo yêu cầu dạy học phát triển năng lực học sinh.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; từng bước tiếp cận các yếu tố tích cực trong hệ thống đào tạo mở của các nước tiên tiến, vận dụng một cách sáng tạo vào Việt Nam;xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các giảng viên người nước ngoài tham gia đào tạo ở các khoa lịch sử, các trường đại học sư phạm; tạo điều kiện để giảng viên, giáo viên, sinh viên được đi đào tạo ở nước ngoài và tham gia các hoạt động trao đổi, giao lưu quốc tế.
Trên đây là kết quả Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam. Bộ GDĐT thông báo đến các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT để biết và nghiên cứu vận dụng trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo hàng năm./.
Nơi nhận:
– Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (để báo cáo);
– Hội Khoa học Lịch sử (để phối hợp);
– Các Sở GDĐT; các cơ sở đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên phổ thông (để thực hiện); – Các đơn vị liên quan (để thực hiện);
– Lưu: VT, Vụ GDTrH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đã kí
Nguyễn Vinh Hiển
|
Reviews
There are no reviews yet.