BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
—————————
Số: 5164/BGDĐT-PC
V/v: tổ chức sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————–
Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2010
|
Kính gửi:
|
– Các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng
– Các sở giáo dục và đào tạo
|
Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2004 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước (Nghị định 122) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương. Sau 06 năm thực hiện Nghị định 122, công tác pháp chế đã từng bước đi vào nền nếp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện thể chế và các thiết chế nhà nước trong giai đoạn mới, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/3/2009 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Nghị định 122 không còn phù hợp và đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế cần được tiếp tục kiện toàn nâng cao năng lực xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tổ chức sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định 122 nhằm làm rõ những nguyên nhân tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm hạn chế về tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế.
Thực hiện công văn số 1565/BTP-VĐCXDPL ngày 01/6/2010 của Bộ Tư pháp về việc tổ chức sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định 122; Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng; các sở giáo dục và đào tạo tiến hành sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định 122 với nội dung sau:
1. Đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế
a) Đối với tổ chức pháp chế sở giáo dục và đào tạo, đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Nghị định 122 trên các mặt công tác:
– Thành lập phòng pháp chế, tổ pháp chế, cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác pháp chế;
– Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật;
– Công tác rà soát, hệ thống hoá;
– Phổ biến, giáo dục pháp luật;
– Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, thi hành pháp luật;
– Công tác thực hiện pháp luật.
b) Đối với các đại học, học viện, các trường đại học cao đẳng, đánh giá thực trạng và kết quả hoạt động của tổ chức pháp chế trực thuộc trên các mặt công tác:
– Thành lập phòng pháp chế, tổ pháp chế, cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác pháp chế;
– Giúp hội đồng trường, hội đồng quản trị, giám đốc, hiệu trưởng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trường, của cán bộ, nhân viên, nhà giáo, học sinh, sinh viên, học viên trong trường và về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của trường.
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của trường cho cán bộ, nhân viên, nhà giáo, học sinh, sinh viên, học viên trong trường; phối hợp với phòng, ban khác kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế và kiến nghị những biện pháp xử lý vi phạm.
– Giúp hội đồng trường, hội đồng quản trị, giám đốc, hiệu trưởng chuẩn bị ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước gửi xin ý kiến; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
– Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với văn bản do các đơn vị khác của trường soạn thảo trước khi trình hội đồng trường, hội đồng quản trị, giám đốc, hiệu trưởng.
2. Đánh giá các điều kiện bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế
– Về cơ sở vật chất.
– Về phương tiện làm việc.
– Về kinh phí hoạt động.
3. Những điểm bất cập, khó khăn, vướng mắc phát sinh và nguyên nhân
a) Những điểm bất cập về thể chế
Những điểm bất cập trong các quy định của Nghị định 122, Thông tư số 07/2005/TT-BTP ngày 31/8/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 122,Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24/01/2005 do liên Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 122.
b) Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế.
– Về chuyên môn, nghiệp vụ.
– Về kiện toàn, tổ chức, bố trí, sắp xếp nhân sự.
– Về phối hợp công tác với các đơn vị liên quan.
– Những khó khăn, vướng mắc khác.
c) Phân tích những nguyên nhân của những điểm bất cập, của những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế.
4. Các kiến nghị và định hướng sửa đổi Nghị định 122
– Kiến nghị về các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 122.
– Kiến nghị về cơ chế phối hợp trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế.
– Kiến nghị về công tác củng cố, kiện toàn tổ chức; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ pháp chế, trình độ cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hoạt động pháp chế, chế độ chính sách đối với người làm công tác pháp chế…
– Các kiến nghị khác.
Báo cáo sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định 122 đề nghị gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) chậm nhất vào ngày 05/9/2010 để tổng hợp gửi Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin chi tiết xin liên hệ: Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo – email: vupcs@moet.edu.vn; ĐT: 04.36231059 hoặc 0983.73.1977 (Đ/c Mai Anh).
Nơi nhận:
– Như trên;
– Bộ trưởng ( để b/c);
– Bộ Tư pháp ( để phối hợp);
– Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đã ký
Trần Quang Quý
|
Reviews
There are no reviews yet.