QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 07/2007/QĐ-BCN NGÀY 30 THÁNG 01 NĂM 2007
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐIỀU CHỈNH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẤY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chỉnh phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng; Thương mại; Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng phát triển Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
– Xây dựng ngành công nghiệp giấy Việt Nam với công nghệ hiện đại, hình thành các khu vực sản xuất giấy, bột giấy tập trung với công suất đủ lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2020 đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng giấy, tạo thế cạnh tranh với các thị trường trong khu vực và quốc tế.
– Xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất 600.000 tấn bột giấy vào năm 2010 và 1.800.000 tấn vào năm 2020, tạo điều kiện để xây dựng các nhà máy chế biến bột giấy tập trung, quy mô lớn.
b) Mục tiêu cụ thể
– Đến năm 2010: Trồng được 470.000 ha rừng nguyên liệu, sản xuất được 600.000 tấn bột giấy và 1.380.000 tấn giấy.
– Đến năm 2020: Trồng thêm 907.000 ha rừng nguyên liệu, sản xuất được 1.800.000 tấn bột giấy và 3.600.000 tấn giấy.
2. Quy hoạch phát triển sản phẩm và bố trí quy hoạch
a) Quy hoạch sản phẩm
– Tập trung sản xuất bột giấy: Để khắc phục sự mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và sản xuất giấy, đồng thời góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cây nguyên liệu giấy.
– Sản xuất giấy: Khai thác hết năng lực sản xuất của các nhà máy giấy hiện có để đáp ứng đủ nhu cầu giấy in, giấy viết cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất giấy bao bì (giấy bao bì thông thường và bao bì cao cấp), giấy công nghiệp để đáp ứng nhu cầu giấy bao bì và nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.
– Xây dựng vùng nguyên liệu giấy: Quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung có quy mô đủ lớn, nhằm giải quyết nguyên liệu cho sản xuất giấy và tạo điều kiện cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất bột có quy mô lớn.
b) Quy hoạch theo vùng lãnh thổ
Bố trí vùng nguyên liệu và các dự án bột giấy và giấy trên toàn quốc được xác định thành 6 vùng (phụ lục số 2 kèm theo quyết định này). Tạo ra sự phát triển cân đối theo vùng lãnh thổ, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn.
3. Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành công nghiệp giấy
Vốn cho đầu tư: Huy động mọi nguồn vốn tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy có quy đủ lớn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2006-2020 là: 95.569 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà máy là 87.664 tỷ đồng, vốn đầu tư trồng rừng là 7.905 tỷ đồng.
4. Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch
a) Các giải pháp về công nghệ
– Thực hiện đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới thông qua nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, chuyển giao công nghệ và các dự án hợp tác liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài.
– Đối với các dự án cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn, phù hợp với điều kiện thiết bị của từng dây chuyền hiện tại.
– Ứng dụng công nghệ xử lý nước thải ngành công nghiệp giấy Việt Nam, đặc biệt là công nghệ vi sinh.
– Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất nguồn nguyên liệu giấy trong nước.
– Xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất bột giấy, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong việc chọn giống, ứng dụng công nghệ mô, hom. Ứng dụng công nghệ thâm canh, chuyên canh nhằm nâng cao năng suất cây nguyên liệu giấy.
b) Giải pháp về đầu tư
Đầu tư vùng nguyên liệu giấy:
– Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trước, sau khi vùng nguyên liệu đã sẵn sàng sẽ tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy.
– Đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo lực lượng lao động, khuyến lâm, nghiên cứu khoa học kỹ thuật cần được tiến hành song song với đầu tư cho vùng nguyên liệu giấy.
– Hỗ trợ các hộ gia đình vốn sản xuất và phân phối quỹ đất một cách hợp lý, bao gồm cả các loại đất có độ phì nhiêu khác nhau.
– Tăng cường giám sát chặt chẽ việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu.
– Khi dự án khả thi được phê duyệt thì toàn bộ quỹ đất sản xuất lâm nghiệp trong vùng quy hoạch được huy động tối đa để trồng rừng nguyên liệu giấy. Xây dựng quy chế về tổ chức triển khai, giám sát để các cấp chính quyền, các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành.
Đầu tư các nhà máy bột giấy và giấy:
– Đối với các dự án đầu tư mới: Đầu tư mới các dự án nhà máy sản xuất bột giấy có công suất lớn để ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng điều kiện về các chỉ tiêu kinh tế và bảo vệ môi trường. Các dự án này cần được quy hoạch đầu tư tại vùng nguyên liệu trọng điểm, đầu tưtheo từng giai đoạn.
– Đối với các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu: Vừa thực hiện mở rộng sản xuất, đa dạng hoá mặt hàng, vừa tiến hành nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, huy động năng lực quản lý và lao động kỹ thuật sẵn có một cách hiệu quả.
c) Giải pháp về tài chính, tín dụng
– Sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu các công ty sản xuất hiện có, để huy động vốn từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy. Nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư bao gồm: vốn ngân sách, vốn vay tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, ngoài ra còn các nguồn vốn khác như vốn ODA, vay thương mại trong và ngoài nước, vốn FDI…
Bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường cho các dự án sản xuất bột giấy.
d) Giải pháp về đào tạo lao động kỹ thuật và nguồn nhân lực
– Áp dụng song song các giải pháp đào tạo lại và đào tạo mới.
– Đối với đào tạo lại tổ chức các lớp học ngắn hạn tại các trường đào tạo nghề giấy, hoặc tại các vùng công nghiệp tập trung, gửi công nhân và cán bộ kỹ thuật đi bổ túc ngắn hạn tại nước ngoài.
– Đối với đào tạo mới: Đào tạo các khoá học chính quy tại các trường đào tạo nghề giấy, tuyển sinh hàng năm.
– Đối với trình độ đại học trở lên đào tạo chính quy tại các trường đại học trong nước và nước ngoài.
1. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo phát triển ngành theo quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thương mại; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng phát triển Việt Nam theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương trong việc triển khai quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hoá quy hoạch phát triển ngành giấy trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tham gia với các Bộ, Ngành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch được duyệt để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển vùng trồng nguyên liệu giấy trong địa bàn phù hợp với Quy hoạch được duyệt và khai thác vận chuyển nguyên liệu giấy.
4. Hiệp hội giấy Việt Nam phối hợp với Bộ Công nghiệp thực hiện Quy hoạch bằng các hình thức: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho cộng đồng các doanh nghiệp ngành công nghiệp giấy cả nước để có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với Quy hoạch.
Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các chính sách, cơ chế để phát triển ngành công nghiệp giấy theo Quy hoạch.
5. Tổng công ty Giấy Việt Nam là doanh nghiệp chủ đạo của ngành có trách nhiệm phát triển đầu tư những dự án sản xuất bột giấy và giấy có quy mô lớn.
Phối hợp với Hiệp hội giấy nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước các chính sách, cơ chế để phát triển ngành công nghiệp giấy theo Quy hoạch được duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
BỘ TRƯỞNG
Hoàng Trung Hải
PHỤ LỤC 1
CÁC CHỈ TIÊU CHÍNH GIAI ĐOẠN 2006-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BCN
ngày 30 tháng 01 năm 2007 của Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp)
Hạng mục |
Năm 2010 |
Năm 2020 |
I. Công suất thiết kế: |
|
|
1. Bột giấy toàn ngành (tấn/năm) |
1.062.000 |
2.012.000 |
Trong đó: Tổng công ty Giấy Việt Nam |
435.500 |
785.500 |
2. Giấy toàn ngành (tấn/năm) |
1.796.000 |
4.176.000 |
Trong đó: Tổng công ty Giấy Việt Nam |
385.500 |
985.500 |
II. Diện tích trồng rừng (ha) |
470.000 |
907.000 |
Trong đó: Tổng công ty Giấy Việt Nam |
171.124 |
408.000 |
III. Sản lượng sản xuất: (tấn) |
|
|
1. Sản lượng giấy toàn ngành: |
1.380.000 |
3.600.000 |
Trong đó: Tổng công ty Giấy Việt Nam |
358.000 |
950.000 |
Mặt hàng: – Giấy in, viết – Giấy in báo – Giấy bao bì CN Tr. đó: Giấy Bao bì cao cấp – Giấy khác Tr. đó: Giấy Tráng phấn |
340.000 80.000 650.000 100.000 310.000 50.000 |
900.000 200.000 1.600.000 500.000 900.000 250.000 |
2. Sản lượng Bột giấy toàn ngành: |
600.000 |
1.800.000 |
Trong đó: Tổng công ty Giấy Việt Nam |
393.000 |
750.000 |
Chủng loại bột: – Bột hoá (từ tre, nứa, gỗ) – Bột CTMP – Bột bán hoá – Bột từ các nguyên liệu khác |
360.000 100.000 100.000 40.000 |
1.300.000 100.000 100.000 300.000 |
PHỤ LỤC 2
PHÂN BỐ VÀ DIỆN TÍCH TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU GIẤY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BCN
ngày 30 tháng 01 năm 2007 của Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp)
Quy hoạch vùng nguyên liệu |
Tổng diện tích trồng rừng (ha) |
Giai đoạn 2006- 2010 (ha) |
Giai đoạn 2011- 2020 (ha) |
|
1.377.000 |
470.000 |
907.000 |
Vùng Trung du Bắc Bộ |
304.500 |
101.500 |
203.000 |
Vùng Bắc Trung Bộ |
174.000 |
69.000 |
105.000 |
Vùng duyên hải Trung Bộ |
325.500 |
108.500 |
217.000 |
Vùng Tây Bắc |
225.000 |
75.000 |
150.000 |
Vùng Đông Bắc |
198.000 |
66.000 |
132.000 |
Vùng Bắc Tây Nguyên |
150.000 |
50.000 |
100.000 |
Reviews
There are no reviews yet.