BỘ XÂY DỰNG
——————
Số: 2021/BXD-KTXD
V/v: hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý dự án đầu tư XDCT.
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————–
Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2010
|
Kính gửi:
|
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc
|
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 604/SKHĐT-KTĐN ngày 25/8/2010 của Sở Kế hoạch và đầu tư Vĩnh Phúc về việc hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về việc xử lý chi phí phát sinh do tăng số người/tháng đối với hợp đồng theo thời gian:
Theo quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng thì đối với hợp đồng theo thời gian, việc thanh toán chi phí chuyên gia được căn cứ vào thời gian làm việc thực tế tương ứng với kết quả công việc trong giai đoạn thanh toán. Trường hợp nêu tại văn bản số 604/SKHĐT-KTĐN là thời gian thuê chuyên gia thực tế nhiều hơn so với thời gian theo hợp đồng nhưng khối lượng công việc trong hợp đồng không thay đổi (nguyên nhân là do dự án bị chậm tiến độ), vì vậy các bên cần căn cứ vào nội dung hợp đồng đã ký kết để thoả thuận và thống nhất đối với chi phí chuyên gia cho khoảng thời gian kéo dài so với hợp đồng đã ký. Trường hợp, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng nên phải bổ sung chuyên gia mà trong hợp đồng chưa có mức thù lao cho các chuyên gia này thì các bên phải thoả thuận và thống nhất mức thù lao trước khi thực hiện.
Nếu những chi phí phát sinh do nguyên nhân khách quan thì sử dụng chi phí dự phòng để thanh toán. Nếu chi phí phát sinh do nguyên nhân chủ quan (do lỗi của chuyên gia hoặc chủ đầu tư) thì lỗi của bên nào bên đó phải chịu trách nhiệm đền bù.
2. Về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán, giá hợp đồng do thay đổi chế độ, chính sách và biến động giá:
– Việc thay đổi cơ cấu các khoản chi phí trong tổng mức đầu tư hoặc cơ cấu chi phí trong dự toán công trình được hiểu là điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán công trình, không phải là điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
– Chủ đầu tư chỉ được phép điều chỉnh dự toán công trình, tổng mức đầu tư xây dựng công trình do thay đổi chế độ chính sách, biến động giá khi việc điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, không thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư.
– Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, việc điều chỉnh giá hợp đồng phải căn cứ vào nội dung hợp đồng đã ký kết. Khi nhà nước thay đổi chế độ chính sách, biến động giá nếu các bên có thoả thuận, quy định trong hợp đồng thì mới được điều chỉnh giá hợp đồng. Phần chi phí tăng thêm khi điều chỉnh giá hợp đồng được lấy từ khoản chi phí dự phòng của dự toán gói thầu hoặc chi phí dự phòng của dự án đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư chỉ được phép điều chỉnh giá mà không dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, khi có nguy cơ vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải có các giải pháp khắc phục, như nghiên cứu điều chỉnh các loại vật liệu cho phù hợp với yêu cầu chất lượng của công trình…. Nếu đã áp dụng các giải pháp mà tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh vẫn vượt so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo Người Quyết định đầu tư quyết định.
3. Việc thực hiện các hạng mục xây dựng công trình trong tiểu dự án giải phóng mặt bằng:
– Tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, thì nếu dự án gồm nhiều tiểu dự án thành phần mà các tiểu dự án này độc lập vận hành thì việc lập thẩm định, phê duyệt các tiểu dự án thành phần được thực hiện theo quy định hiện hành. Nếu tiểu dự án không độc lập vận hành thì việc lập thẩm định, phê duyệt các tiểu dự án thành phần nằm trong nội dung phê duyệt tiểu dự án giải phóng mặt bằng, trong đó các hạng mục xây dựng công trình được lập thẩm định, phê duyệt chung với tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
– Nếu tiểu dự án thành phần độc lập vận hành thì tên tiểu dự án được gọi phù hợp với nội dung của dự án.
4. Về chủ trương đầu tư, danh mục chuẩn bị đầu tư và dự toán chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư:
– Hiện nay chưa có quy định thể thức văn bản cho phép đầu tư. Do vậy, tuỳ thuộc vào tính chất dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư mà cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư dưới hình thức quyết định cho phép đầu tư, thông báo hay văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
– Nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư: Tuỳ thuộc loại dự án, nguồn vốn đầu tư, yêu cầu quản lý mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định những nội dung dự án phải tuân thủ, ví dụ: tên dự án, địa điểm, mục tiêu đầu tư, diện tích chiếm đất, nguồn vốn đầu tư, hình thức đầu tư, thời gian thực hiện, …
– Danh mục dự án đầu tư xây dựng phải nằm trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư không có trong danh mục thì chủ đầu tư phải trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và bổ sung vào danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch thì mới có cơ sở để lập dự án đầu tư.
– Chi phí chuẩn bị đầu tư thuộc chi phí trong tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình, vì vậy chi phí này do người quyết định đầu tư phê duyệt. Đơn vị chuyên môn trực thuộc cấp quyết định đầu tư là đơn vị đầu mối thẩm định.
– Theo quy định hiện hành “Quyết định đầu tư” chính là “Quyết định phê duyệt dự án đầu tư”.
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh phúc căn cứ để thực hiện./.
Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu: VP, Vụ KTXD. Nh5.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Trần Văn Sơn
|
Reviews
There are no reviews yet.