VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
——————– Số: 362/TB-VPCP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————————— Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN
TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 296/CT-TTG
NGÀY 27 THÁNG 02 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2010 – 2012
Ngày 11 tháng 9 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại đầu cầu Hà Nội. Tham dự Hội nghị tại 6 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ có hơn một nghìn đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:
1. Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 có ý nghĩa, tác dụng quan trọng, kịp thời định hướng chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, tạo sự đột phá trong đổi mới quản lý giáo dục đại học nhằm phát huy tích cực kết quả đạt được sau 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 – 2010, từng bước khắc phục những yếu kém, bất cập về chất lượng đào tạo và quản lý để đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai rộng rãi, đạt kết quả cao trong lĩnh vực giáo dục đại học; một số mô hình đã được tổ chức thực hiện trên quy mô rộng cả nước như việc xây dựng cam kết đào tạo, chuẩn đầu ra. Những kết quả đạt được đã tạo sự chuyển biến, đổi mới tích cực trên nhiều mặt của lĩnh vực giáo dục đại học. Các Bộ ngành, địa phương và đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học, các cán bộ, giảng viên đã thể hiện sự đồng tình, hưởng ứng cao; đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung, yêu cầu mà Chỉ thị đã đề ra. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng đã kịp thời rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển của mình, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra; quan tâm sâu sát đến việc củng cố, phát triển nhà trường; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cải thiện cách thức quản lý hành chính, tài chính; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để làm rõ hơn sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, hiệu quả triển khai của các chương trình, hoạt động cụ thể trong việc thực hiện Chỉ thị này 3 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục tổng hợp, phân tích để rút ra những kinh nghiệm, bài học sâu sắc, cụ thể hơn nữa, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành, đổi mới ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
2. Thời gian tới, toàn ngành giáo dục và đào tạo cần tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai các mặt hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học trong những năm tới 2014, 2015, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa trong lĩnh vực này, trong đó lưu ý một số vấn đề sau đây:
– Trên cơ sở rà soát tình hình quản lý ở các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; tổ chức trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm về đào tạo theo các nhóm trường cùng lĩnh vực để có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng công tác quản lý ở các cấp, tạo sự thống nhất về phương thức quản lý, phù hợp với điều kiện của các trường và địa phương;
– Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên vay để học đại học, cao đẳng, tạo điều kiện cho tất cả các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đã trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng được đi học cho đến khi tốt nghiệp, không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và điều kiện bảo đảm cuộc sống tối thiểu, có thể nghiên cứu tăng mức cho vay phù hợp, bảo đảm điều kiện theo học; tiếp tục quan tâm triển khai chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ, chăm lo chỗ ở cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Những năm qua, chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên vay để học; chương trình xây dựng ký túc xá bằng nguồn trái phiếu Chính phủ đều đã được thực hiện có hiệu quả cao, vượt kế hoạch đề ra;
– Tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống tài liệu, giáo trình, sách tham khảo dùng chung cho các trường cùng khối ngành; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, có sự kết nối giữa cung và cầu, gắn kết giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu với các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế;
– Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để sớm hướng dẫn, ban hành quy chế phối hợp giữa các trường, các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, quản lý các cơ sở giáo dục đại học, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020 và Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình đào tạo cán bộ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2020; sớm tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước để làm căn cứ tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học;
– Các trường đại học, cao đẳng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho cán bộ, giảng viên; thu hút các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường nhằm nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Văn phòng Trung ương Đảng; – Ban Tuyên giáo Trung ương; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Quốc hội; – UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; – Ngân hàng Chính sách Xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN Trợ lý TTgCP các Vụ: TH, PL, VIII, Cổng TTĐT; – Lưu: Văn thư, KGVX (3b) |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Khắc Định |
Reviews
There are no reviews yet.