QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 30/2007/QĐ-BNN
NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 2007
THÀNH LẬP CƠ QUAN KIỂM LÂM VÙNG I TRỰC THUỘC CỤC KIỂM LÂM
TRÊN CƠ SỞ TRUNG TÂM KỸ THUẬT BẢO VỆ RỪNG SỐ I
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Điều 4 của Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;
Căn cứ Quyết định số 06/2007/QĐ-BNN ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm;
  Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
     Điều 1. Vị trí, chức năng
           1. Thành lập Cơ quan Kiểm lâm vùng I trực thuộc Cục Kiểm lâm trên cơ sở Trung tâm kỹ thuật bảo vệ rừng số I.
           2. Cơ quan Kiểm lâm vùng I thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng tại vùng được phân công.
           3. Cơ quan Kiểm lâm vùng I có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.
           Trụ sở của Cơ quan Kiểm lâm vùng I đặt tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
4. Phạm vi hoạt động của Cơ quan Kiểm lâm vùng I gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh): Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Tây, Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và Hải Phòng.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Thực hiện một số công tác quản lý chuyên ngành về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi vùng được phân công như sau:
a) Tham gia xây dựng chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý động vật, thực vật hoang dã.
b) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý động vật, thực vật hoang dã đối với các Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh.
c)Â Hướng dẫn, đôn đốc quy vùng sản xuất nương rẫy; giao rừng; khoán bảo vệ rừng.
d) Hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép; kiểm tra các hành vi trái pháp luật khác xâm hại rừng và đất lâm nghiệp.
đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chủ rừng trong vùng.
2. Thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng:
a) Tổ chức dự báo nguy cơ về cháy rừng; xây dựng phương án, dự án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng trong vùng.
           b) Phối hợp và hỗ trợ các Chi cục Kiểm lâm trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Kiểm tra các hoạt động về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.
d) Tổ chức lực lượng, phối hợp với địa phương ứng trực, chữa cháy rừng trong vùng trọng điểm quốc gia.
3. Thực hiện các nhiệm vụ sau đây trong trường hợp các địa phương không có cơ quan Kiểm lâm đảm nhận:
a) Quản lý, sử dụng búa kiểm lâm.
b) Quản lý, sử dụng giấy phép lâm sản đặc biệt.
c) Tham mưu trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính và khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
4.Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng.
5. Tham gia nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế theo chương trình, kế hoạch của Cục Kiểm lâm. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm trong vùng tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng.
           6. Tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý động vật, thực vật hoang dã.
           7. Quản lý tổ chức, cán bộ, lao động, tài chính, tài sản được giao theo quy định.
8. Thực hiện cải cách hành chính, chấp hành chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của Cục Kiểm lâm.
9. Thực hiện nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Kiểm lâm phân công, uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
  Điều 3.Tổ chức bộ máy
  1. Lãnh đạo Cơ quan Kiểm lâm vùng I có Giám đốc và Phó Giám đốc do Cục trưởng Cục Kiểm lâm bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  Giám đốc chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Kiểm lâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.
   Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được Giám đốc phân công.
  2. Bộ máy quản lý:
  a) Phòng Hành chính-Tổng hợp
  b) Phòng kỹ thuật bảo vệ rừng
  c) Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng
  Uỷ quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm quy định nhiệm vụ của bộ máy quản lý quy định tại Khoản 2 Điều này và bố trí biên chế của Cơ quan Kiểm lâm vùng I theo chỉ tiêu biên chế Bộ giao cho Cục.
  Giao Cục trưởng Cục Kiểm lâm quản lý việc thu hồi và giao nộp con dấu của Trung tâm kỹ thuật bảo vệ rừng số I cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu theo quy định.
Điều 4. Hiệu lực, trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ những quy định trước đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trái với Quyết định này.
2. Cục trưởng Cục Kiểm lâm chỉ đạo Giám đốc Trung tâm kỹ thuật bảo vệ rừng số I bàn giao nguyên trạng Trung tâm cho Giám đốc Cơ quan Kiểm lâm vùng I.
3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc Cơ quan Kiểm lâm vùng I chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
Reviews
There are no reviews yet.