BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
——————– Số: 30/BKHCN-TĐC
V/v: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế nhập siêu
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————————— Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2011
|
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2600/TTg-KTTH ngày 30/12/2009 và thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế nhập siêu; hướng dẫn, đôn đốc các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cùng triển khai thực hiện. Bộ Khoa học và Công nghệ xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung công việc và kết quả thực hiện như sau:
1. Nội dung công việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện:
– Cử đầu mối trực tiếp phối hợp với Bộ Công Thương (công văn số 315/BKHCN-VP ngày 12/02/2010) triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, gồm một Lãnh đạo Bộ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
– Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo Bộ Công Thương để thảo luận, nghiên cứu cách thức đôn đốc các Bộ, ngành chủ động đề xuất các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành.
– Gửi công văn đôn đốc các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng và ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (dưới đây viết tắt là Danh mục SP, HH nhóm 2); xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (dưới đây viết tắt là QCVN) và các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở Danh mục đó, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu.
– Hướng dẫn các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực nghiên cứu vận dụng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt khi hàng hóa thuộc Danh mục cần hạn chế nhập khẩu của Bộ Công Thương công bố, trên cơ sở Thông tư số 19/2009/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 30/6/2009 quy định các biện pháp quản lý chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa cần tăng cường quản lý trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
– Làm việc với các Bộ, ngành:
Trên cơ sở các sản phẩm, hàng hóa được Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 1899/QĐ-BCT ngày 16/4/2010 về việc ban hành Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu và Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28/5/2010 về việc ban hành danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu trong nước đã sản xuất được, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện các công việc sau:
a) Lập Danh mục sản phẩm, hàng hóa dự kiến cần hạn chế nhập khẩu. Danh mục này gồm sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của 10 Bộ, ngành (Bộ Công Thương; Bộ Y tế; Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ).
b) Tiến hành làm việc với từng Bộ, ngành.
Đến thời điểm này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn tất chương trình làm việc với 09 Bộ, ngành có liên quan.
Trong các buổi làm việc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng các Bộ, ngành nhất trí cần thực hiện các công việc sau:
– Đối với các Bộ, ngành chưa ban hành Danh mục SP, HH nhóm 2, cần đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành Danh mục SP, HH nhóm 2; đối với các Bộ, ngành đã ban hành Danh mục SP, HH nhóm 2, cần tiếp tục nghiên cứu, soát xét bổ sung (nếu cần). Đồng thời, cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Trên cơ sở Danh mục sản phẩm, hàng hóa dự kiến cần hạn chế nhập khẩu, cần xác định rõ các loại hàng hóa thuộc phạm vi quản lý để đề xuất biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu.
– Các Bộ, ngành cần chủ động nắm bắt thông tin của thị trường khi có sự nhập khẩu số lượng lớn chủng loại hàng hóa phạm vi Bộ, ngành mình quản lý, không thuộc Danh mục SP, HH nhóm 2, nhưng thuộc Danh mục cần hạn chế nhập khẩu, cần nghiên cứu đề xuất các biện pháp hữu hiệu để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng. Đề nghị nghiên cứu Thông tư số 19/2009/TT-BKHCN nêu trên để đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp với từng loại sản phẩm, hàng hóa.
2. Kết quả thực hiện của các Bộ, ngành trong thời gian qua:
a) Việc xây dựng và ban hành Danh mục SP, HH nhóm 2:
Đến nay, hầu hết các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành hoặc đang xây dựng Danh mục SP, HH nhóm 2. Các Bộ đã ban hành Danh mục là: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Việc xây dựng và ban hành QCVN và văn bản quy phạm pháp luật:
Đến nay, hầu hết các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Thông tư hoặc QCVN để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi lĩnh vực được phân công. Tổng số QCVN được ban hành tính đến nay là gần 200 QCVN do 10 Bộ ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra các Bộ khác đang xây dựng nhiều QCVN, các Thông tư đối với sản phẩm, hàng hóa khác thuộc Danh mục. Khi chưa có QCVN, sản phẩm, hàng hóa được quản lý chất lượng theo các quy định đang thực hiện.
Các Thông tư, QCVN và các biện pháp kỹ thuật của các Bộ, ngành đã có tác dụng trong việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa cần thiết nhập khẩu, hàng hóa đã sản xuất được trong nước, như: Các Thông tư của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng kính xây dựng, clinke, gạch ceramic; các Thông tư của Bộ NNPTNT về quản lý chất lượng sản phẩm có nguồn gốc động vật, muối; Thông tư của Bộ Công Thương về cấp phép nhập khẩu tự động, hàng dệt may; Thông tư liên tịch: Bộ Công Thương – Bộ Giao thông vận tải – Bộ Tài chính về nhập khẩu ô tô chở người; Thông tư của Bộ Giao thông vận tải về kiểm định khí thải xe máy; các QCVN về thiết bị điện – điện tử; đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học và Công nghệ; về bình chịu áp lực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; về thực phẩm và phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế …
Theo Bộ Công Thương, nhóm các mặt hàng có số lượng nhập khẩu lớn là: ô tô, xe máy, xe đạp, hàng điện – điện tử gia dụng, điện thoại di động, trang thiết bị nội thất, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh bằng gốm sứ, thực phẩm, mỹ phẩm, rượu cần tập trung áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu. Thời gian qua, các mặt hàng: ô tô, xe máy, điện thoại di động, gạch ốp lát, thực phẩm đã được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng và ban hành các Thông tư hoặc QCVN để quản lý. Các mặt hàng còn lại, đang được các Bộ nghiên cứu, xây dựng dự thảo các văn bản quản lý tương ứng.
3. Nhận xét chung
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại các cuộc họp giao ban công tác xuất nhập khẩu hàng tháng, trong tháng 9 và tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đã dừng lại, có xu hướng giảm; tổng nhập siêu đã giữ ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu.
Có được thành tích này là nhờ nỗ lực của tất cả các Bộ, ngành, là kết quả triển khai tổng hợp các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu của cả nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quản lý sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu để hạn chế nhập siêu, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
Để áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu nhằm hạn chế nhập siêu đạt hiệu quả cao hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung như sau:
a) Yêu cầu các Bộ, ngành chưa ban hành Danh mục SP, HH nhóm 2 khẩn trương ban hành Danh mục để thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống QCVN, văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục SP, HH nhóm 2, đồng thời ban hành các hướng dẫn triển khai trên cơ sở tham khảo các văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
b) Giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Bộ Công Thương nghiên cứu phân loại hàng hóa cần hạn chế nhập khẩu theo tên hàng hóa và cung cấp cho các Bộ, ngành theo từng thời kỳ (hàng tháng hoặc hàng quý) để các Bộ, ngành kịp thời nghiên cứu, đưa ra biện pháp quản lý, đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, hàng hóa không cần thiết nhập khẩu.
c) Yêu cầu các Bộ, ngành căn cứ Danh mục sản phẩm, hàng hóa cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu (được gửi kèm theo công văn này), chủ động xây dựng và ban hành các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc phạm vi quản lý.
d) Ngoài việc tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các Bộ, ngành cần chú trọng vào việc đầu tư, khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ Khoa học và Công nghệ xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Nơi nhận:
– Như trên; – VPCP; – Các Bộ: Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Lưu VT, TĐC. |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Nguyễn Quân |
Reviews
There are no reviews yet.